Nhiều giáo viên thổ lộ mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến họ muốn bỏ nghề và thực tế không ít đã bỏ nghề, rẽ sang hướng khác.
Cuộc hội ngộ của hơn 1 triệu thành viên ngành Giáo dục
Sáng nay, 15/8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Cá nhân tôi rất hồi hộp, cũng có phần căng thẳng, vì thực sự chưa làm việc này bao giờ. Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng, huống hồ đang trò truyện với gần một triệu người nhưng tôi sẽ cố gắng.
Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao? Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá”.
Ông Kim Sơn cũng thừa nhận: “Ngành giáo dục và đào tạo của chúng ta đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể”.
Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, các trường cao đẳng sư phạm và đại học. Tổng hợp các ý kiến giáo viên, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho biết qua rà soát khối mầm non, phổ thông, có một số vấn đề chung.
Ở nhóm nội dung phản ánh về chế độ, chính sách, có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm...
Các ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.
Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.
TS Nguyễn Ngọc Ân khẳng định thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên số lượng thầy cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng. Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học.
Dự kiến tăng 5-10% phụ cấp giáo viên tiểu học, mầm non
Bên cạnh mức lương thấp, áp lực, quá tải trong công việc cũng được các giáo viên nêu rõ. Cô Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên mầm non ở tỉnh Điện Biên, cho hay: "Theo quy định là 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế chúng tôi đang phải làm việc 10 tiếng/ngày. Tôi tin rằng ai đó chỉ cần trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non sẽ hiểu được áp lực nặng nề của chúng tôi”, cô giáo nói.
Cô giáo cũng nói đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm tuy nhiên chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại.
Bên cạnh đó, hiện nay tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đang được xác định như những ngành nghề khác. “Chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu trên 50 tuổi của giáo viên mầm non là không phù hợp cần được xem xét”, cô giáo nói.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non ở Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cũng cho rằng giáo viên mầm non hiện nay gần như phải làm gấp đôi so với quy định 40 tiếng/tuần, từ sáng 6h30 tới 17h, thậm chí đến 18h. Trung bình mỗi ngày, giáo viên mầm non làm việc từ 10 - 12 tiếng, về đến nhà gần như kiệt sức.
Mặt khác, công việc của họ mang tính chất đặc thù, vừa nuôi vừa dạy, đồng thời là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ...
Giáo viên phải đóng nhiều vai như chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý… Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Không ít trường hợp phụ huynh nóng tính, có những hành động gây xúc phạm thể chất và tinh thần đối với giáo viên
Dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề hiện nay thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra – chỉ 35%. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua, có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Do đó, giáo viên này mong được tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để giáo viên yên tâm công tác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. “Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học”, ông Sơn chia sẻ.
Liên quan việc giáo viên phản ánh giáo viên phải đến sớm, về muộn, trông trẻ qua trưa… theo Bộ trưởng, với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non.
Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên cấp này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non và đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tất cả các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
“Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị nhưng cũng cần từng bước, hợp lý”, ông Kim Sơn nói thêm.
Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai.
Sáng nay, Bộ trưởng GD-ĐT gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các trường đại học.
Sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD-ĐT, kết nối với các tỉnh, thành qua 63 điểm cầu của các Sở GD-ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Hơn 6.500 ý kiến từ các cấp học đề cập đến nhiều nội dung đã được gửi về Bộ trưởng GD-ĐT. Với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Bộ GD-ĐT cho biết các ý kiến này cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn, qua đó phát triển, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại tỉnh Sơn La, dù còn thiếu đến 2.688 giáo viên nhưng nguồn tuyển lại rất khó khăn, thậm chí có vị trí không có ứng viên đăng ký, nhất là đối với giáo viên tiểu học, mầm non.
Ngày 15/8 tới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ và đối thoại với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023.
'Lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát, tôi thấy thương cái nghề của mình biết bao. Người ta nói áp lực tạo nên kim cương nhưng nghề mầm non áp lực tạo nên quyết định nghỉ việc", cô giáo ở Quảng Bình trải lòng.