- Sau khi sáp nhập với một trường bán công, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP. Cần Thơ) đã có sự "lột xác" về dạy học. Ông Nguyễn Văn Bắc, hiệu trưởng nhà trường, kể về hành trình “vượt sóng” và tâm thế của giáo viên trước những lần thay đổi trong nội bộ và với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Bắc cho biết sau khi sáp nhận với một trường bán công vào năm 2009, tới năm 2016, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đạt chuẩn quốc gia, sau đó một năm thì chuyển qua mô hình trường điển hình đổi mới...
Áp lực biên chế: Thừa mà thiếu
Khi chuyển đổi mô hình, trường có gặp khó khăn về đội ngũ không, thưa ông?
- Chúng tôi có một đội ngũ giáo viên khá lớn tuổi. Sau mấy năm “trẻ hóa”, ở thời điểm này vẫn có trên 67% giáo viên ở độ tuổi từ 40 trở lên. Số lượng giáo viên nữ cũng tương đối lớn khi chiếm tới 70%.
Nếu như với giáo viên nam, độ tuổi này là bình thường thì với giáo viên nữ nhiều cũng khá lo lắng. Giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm nhưng cũng đi kèm với sức ì.
Thời điểm năm 2012, trường dư tới 16 người, nên có những người chỉ dạy được một nửa định mức (8 tiết/tuần). Hiện nay, nếu tính tổng số giáo viên, trường đủ biên chế nhưng lại dư ở một số môn.
Vậy nên, trường phải bố trí cho giáo viên làm các công việc khác như chủ nhiệm, tư vấn học đường, giáo dục ngoài giờ hay quản lý học sinh. Quan điểm sử dụng giáo viên của chúng tôi là lớn tuổi thì khai thác kinh nghiệm, trẻ tuổi thì khai thác sức trẻ.
Ngoài cách tính tốt nghiệp chung, chúng tôi còn tính theo 10 năm trước là không cộng điểm nghề, ưu tiên. Năm học 2017, khi tính chung, kết quả tốt nghiệp của trường là 99%, khi bỏ điểm cộng là 84,6 %, đứng thứ 5 toàn tỉnh. |
Tuy nhiên về lâu dài, chắc chắn trường sẽ thay đổi vì trong 5 năm tới có khoảng 20 người tới tuổi nghỉ hưu, có nghĩa là có 20 giáo viên mới.
Mục tiêu của Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 là giảm dần 10% biên chế theo lộ trình 5 năm. Điều này gây ra áp lực cho trường THPT Bùi Hữu Nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định về tỷ lệ giáo viên/ lớp, trường tôi có 39 lớp, tính đủ biên chế là 88 người, nhưng hiện tại đang chỉ có 87.
Tuy nhiên, đội ngũ này khá lớn tuổi nên sẽ chịu nhiều áp lực.- Chúng tôi sẽ thực hiện, nhưng trước hết phải giải thích lý do cần tinh giản biên chế cho cán bộ giáo viên.
Ví dụ như trước đây dư giáo viên, trường phải giãn việc để nhiều người cùng làm. Bây giờ, với áp lực biên chế, ở độ tuổi nào giáo viên cũng phải thực hiện đúng định mức lao động đã giao.
Đặc biệt, với việc thay đổi chương trình - SGK sắp tới, áp lực chuyên môn cũng sẽ rất nặng nề. Giáo viên đi dạy từ 12-15 năm chắc chắn đã trải qua một lần thay sách, đã có kinh nghiệm, nhưng phải lưu ý về mặt tuổi tác...
Ông có thể tiết lộ về thu nhập của giáo viên nhà trường hiện nay?
- Những giáo viên đi dạy khoảng 10 năm nhận mức lương 5,5 triệu đồng/ tháng. Với thu nhập này, nếu phải lo cho gia đình là rất khó khăn. Những người có thời gian công tác từ 20 năm trở lên cũng chỉ nhận lương hơn 8 triệu đồng. Giáo viên mới ra trường hoặc đi dạy dưới 10 năm lương rất thấp.
Tỉ lệ học sinh khá giỏi của trường |
Trường học không phải là đơn vị kinh doanh nên thu nhập thêm là không có. Nhưng nếu “mình” không có cái chia cho anh em thì phải tạo ra cơ hội để họ làm thêm, trang trải cuộc sống.
Như khi chúng tôi chuyển toàn bộ hoạt động dạy học về buổi sáng, thì buổi chiều ngoại trừ một số lớp có giờ ngoại khóa, đa số giáo viên có thời gian rảnh rỗi có thể làm công việc khác.
Mặt khác, khi xếp thời khóa biểu, trường cũng cố gắng để cố định lịch dạy của giáo viên để họ có thể làm thêm.
“Có cái mới, ai chẳng lo”
Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đã bắt đầu chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới chưa, thưa ông?
- Chúng tôi đã chuẩn bị cho thay sách từ lâu theo định hướng của Bộ. Việc đầu tiên là ổn định số học sinh, số lớp, không để rơi vào tình huống năm nay 39 lớp năm sau xuống 35 hay năm sau nữa lên 40. Như vậy, chúng tôi tính được số giáo viên cần có và chủ động lựa chọn, tính toán kỹ.
Thứ hai, giáo viên tham dự đầy đủ các đợt tập huấn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và phải áp dụng ngay vào dạy học. Như vậy, đến lúc thay sách sẽ không bối rối.
Đã từng trải qua 3-4 lần thay sách, tôi nghĩ rằng kiến thức không phải là vấn đề thay đổi lớn mà là cách tiếp cận của người thầy đối với bộ sách. Ngày trước, sách giáo khoa là pháp lệnh, nhưng bây giờ là công cụ phục vụ cho dạy học.
Tôi muốn nhắc lại câu nói “nghe thì quên, nhìn thì nhớ, làm thì sẽ hiểu”. Tôi đã trao đổi với phòng chuyên môn rất nhiều rằng thông qua quá trình làm, mình rút kinh nghiệm là bền nhất.
Tôi đề nghị giáo viên đi dự giờ, trao đổi với nhau để cái dở thì mình tránh, cái hay mình học. Tôi cũng nhắc họ việc tự học, tự bồi dưỡng là quan trọng nhất. Thú thực, ngay bản thân tôi đọc SGK mới một lần cũng không hiểu nên phải thử, kiểm nghiệm sau đó mới nhớ và làm được.
Một điều nữa là phải làm sao để tổ chuyên môn thành nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dạy học. Nếu ai cũng giữ riêng cho mình "chiêu thức" riêng thì rất khó tiến bộ. Chấp nhận trao đổi, rút kinh nghiệm sẽ nắm bắt “linh hồn” chương trình nhanh hơn.
Vừa rồi có một giáo viên dạy Văn xin thôi việc. Cô bảo rằng rất thích đi dạy, nhưng nếu thay đổi chương trình, yêu cầu đối với giáo viên rất cao, cô không đáp ứng được, nên chủ động xin nghỉ. Chúng tôi đánh giá cao hành động này, vì lòng tự trọng của cô. |
Giáo viên trong trường ông phản ứng thế nào về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Bao giờ cũng vậy, thấy cái mới mọi người hay "sợ" vì ngại thay đổi. Tôi xác định đây là trách nhiệm của người quản lý - phải động viên, thuyết phục và gợi ý để giáo viên thay đổi.
Lúc chúng tôi tham gia mô hình trường điển hình đổi mới, giáo viên sợ lắm chứ vì đâu có biết mô hình như thế nào. Tôi động viên họ rằng mình đã tham gia làm trường chuẩn, đã biết hết các yêu cầu. Bây giờ vẫn những công việc ấy, nhưng đòi hỏi chúng ta làm ở tâm thế khác, đó là chủ động và tích cực.
Bản thân tôi và đội ngũ giáo viên đã vững vàng rất bình tĩnh. Chúng tôi nghĩ rằng chuyện tới đâu giải quyết tới đó, cứ đi từng bước nhỏ để hoàn thành con đường lớn, không nóng vội, không đốt cháy giai đoạn.
Điều mà chúng tôi yêu cầu ở các thầy cô là có sự chuẩn bị để tiếp nhận, chứ không phải “người ta sao, tôi vậy”.
Từng trải qua nhiều lần thay sách, ông có kinh nghiệm gì muốn nói với đồng nghiệp?
- Ở lần thay sách trước, từ năm 2005 tôi đã làm quen với chương trình mới môn Toán dù năm 2006 mới ban hành chương trình chính thức. Bản thân tôi mất ba tháng để đọc và đánh giá. Thông thường, nội dung nào thích tôi xem rất kỹ, nội dung nào chưa thích thì xem lướt trước đã...
Trình độ giáo viên của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa |
Tôi hiểu một điều rằng không phải cầm SGK lên dạy là được. Mục tiêu của người thầy không chỉ chuyển tải kiến thức SGK, mà thông qua đó còn phải chuyển tải được tư duy, thái độ - hay nói theo khái niệm hiện nay là bồi dưỡng phẩm chất năng lực - cho học sinh.
Trách nhiệm của trường phổ thông không luyện thi
Chương trình phổ thông mới dự kiến áp dụng một số điểm chỉ khả thi với cách đánh giá và thi cử khác với hiện nay, như giao việc xét tốt nghiệp cho trường học, giao việc xây dựng chương trình cá nhân cho nhà trường và giáo viên... Theo quan điểm của ông, cần cải tiến những công việc này như thế nào?
- Từ năm 2009, Sở GD-ĐT đã làm nhiệm vụ soạn và giao phân phối chương trình cho trường.
Từ năm 2014, phân phối chương trình được đổi tên là kế hoạch giáo dục. Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên dựa vào kế hoạch này và thực tế của nhà trường để xây dựng kế hoạch môn học phù hợp. Tới đây, nếu giao quyền soạn nội dung bài học, giáo viên trường tôi sẽ không gặp khó khăn vì đã quen rồi.
Về thi cử, nếu đặt ra yêu cầu giáo dục theo đúng trình tự là dạy người - dạy chữ - dạy nghề thì phải giảm việc học để thi.
Trách nhiệm của trường phổ thông là giáo dục kiến thức phổ thông, vậy nên đánh giá cần tập trung vào việc học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hay không, hoàn thành đến mức độ nào, chuẩn bị cho các em vào đời ra sao..., chứ kiêm nhiệm luôn luyện thi đại học là không ổn. Việc tuyển sinh hãy trả về trường đại học.
Tỉ lệ học sinh đỗ đại học của trường |
Trường chúng tôi hiện đã cố gắng dạng hóa hình thức, không chỉ kiểm tra miệng hay kiểm tra viết như trước đây. Nếu trước đây yêu cầu giáo viên cho học sinh làm đủ 3 bài kiểm tra 15 phút, 3 bài kiểm tra 1 tiết, thì bây giờ để họ có quyền để thay đổi việc đánh giá này. Có thể lần lượt gọi các em hỏi bài 1-2 lần trong quá trình lên lớp, quan sát và thỉnh thoảng cho kiểm tra để giá năng lực của học sinh tiến tới đâu.
Đương nhiên vẫn sẽ có bài kiểm tra viết, nhưng việc thay đổi cách đánh giá đã thuận lợi cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi không nóng vội, biết trân trọng kết quả học tập của các em, thay đổi dù chỉ 0,25 điểm cũng thể hiện sự tiến bộ...
Khi tham gia trường điển hình đổi mới, vấn đề chúng tôi đặt ra là thay đổi tâm thế của giáo viên khi tiếp nhận mô hình mới.
Việc thay đổi chương trình và SGK tới đây cũng vậy: Chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất không có gì thay đổi, nhưng đón nhận với tâm thế bị ép thì làm hay tự nhận thức công việc cần phải làm. Đó là sự khác biệt.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2017, TP. Cần Thơ thực hiện mô hình trường điển hình đổi mới. Trong gia đoạn đầu, ngành giáo dục địa phương xây dựng mỗi cấp học một trường điển hình đổi mới gồm Trường Mầm non Hướng Dương, Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) và Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy). Theo Sở GD-ĐT Cần Thơ, đây là các đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức hoạt động giáo dục điển hình, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học; cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn… Kinh phí đầu tư cho mỗi trường gần 6,8 tỉ đồng. |
Lê Huyền - Văn Bình (thực hiện)
Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên THCS cho chương trình phổ thông mới
Thiếu hàng ngàn giáo viên tiếng Anh, tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo là những khó khăn khi tiến hành chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lớp đông học sinh, sao dạy được chương trình phổ thông mới?
Tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1, nhiều lo ngại về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được các đại biểu chỉ ra.
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020
Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.
Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử
Buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình môn học phổ thông mới diễn ra từ 16h chiều ngày 19/1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới.