Theo quyết định công bố hôm 14/6, Washington sẽ tiếp tục cho phép thanh toán tiền mua năng lượng cho Nga đến hết ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ xứ sở bạch dương của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ có hiệu lực hoàn toàn.

Đường ống dẫn dầu của Nga từ Đông Siberia. Ảnh: RIA NOVOSTI

Quyết định gia hạn được đưa ra trong bối cảnh việc miễn trừ các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt của Mỹ nhằm loại Nga khỏi hầu hết các hệ thống tài chính toàn cầu dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 24/6. 

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ cho hay: "Động thái sẽ mang đến một quá trình chuyển đổi có trật tự nhằm giúp mạng lưới các đối tác rộng khắp (của Mỹ) giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga khi chúng tôi tìm cách hạn chế các nguồn thu nhập của Điện Kremlin".

Tờ Wall Street Journal đưa tin, mặc dù Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga, nhưng nhiều giao dịch mua bán những mặt hàng này ở nước ngoài vẫn được thực hiện chủ yếu bằng đồng USD. Washington muốn giảm thiểu sự gián đoạn hơn nữa trong thị trường năng lượng toàn cầu.

27 nước thành viên EU hồi cuối tháng 5 đã nhất trí áp gói trừng phạt thứ 6 đối với Moscow vì chiến dịch tấn công quân sự sang Ukraine. Gói trừng phạt này dự kiến bao gồm việc ngưng nhập khẩu tới 90% lượng dầu từ xứ sở bạch dương vào liên minh, chủ yếu qua đường biển, nhưng không áp dụng với dầu thô chuyển qua các đường ống dẫn vì một số nước như Hungary, Slovakia và CH Séc chưa thể tìm được các nguồn cung thay thế năng lượng Nga ngay lập tức.

Đây là gói biện pháp cứng rắn nhất của EU đối với Moscow kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ ngày 24/2. Chúng được tin sẽ tác động mạnh tới nguồn thu tài chính của Nga.

Tuấn Anh

Đòn trừng phạt mới của EU ảnh hưởng đến Nga thế nào?Lệnh cấm vận mới của Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô của Nga, nhưng có thể sẽ không gây tổn hại lớn đến nền kinh tế nước này cho đến khi các giới hạn chính thức có hiệu lực.