Theo Reuters, Đại sứ Mỹ Mark Brzezinski đã chuyển đề xuất của Washington tới Bộ trưởng Khí hậu và môi trường Ba Lan Mark Brzezinski. Trong đó, chính phủ Mỹ muốn tạo ra một lộ trình hợp tác song phương chi tiết với Ba Lan cho dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2040.

Các thùng chứa vật liệu phóng xạ tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia ở Swierk, Ba Lan, cách Warsaw khoảng 40km. Ảnh: NurPhoto

“Đó không chỉ là một lời đề nghị mang tính thương mại mà còn phản ánh 18 tháng làm việc và hàng triệu đô la được chi cho việc phân tích và đánh giá", phát ngôn viên của công ty điện Westinghouse, một doanh nghiệp Mỹ đấu thầu dự án bình luận.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer M. Granholm cũng mô tả đây là “một bước tiến quan trọng đối với sự phát triển của Ba Lan trong ngành công nghiệp hạt nhân dân dụng mạnh mẽ, không phát thải các-bon và sẽ tạo ra một nguồn năng lượng nữa cho châu Âu, không chịu tác động của Nga”. Quan chức này tin dự án có thể đảm bảo cho người Ba Lan nhận được "công nghệ hạt nhân an toàn, tiên tiến và đáng tin cậy nhất sẵn có".

Warsaw dự kiến sẽ xem xét đề xuất của Washington và đưa ra quyết định trước các cuộc đàm phán thường niên về những vấn đề công nghệ vào mùa thu này.

Mỹ đưa ra lời đề nghị nói trên ngay sau khi Ba Lan tuyên bố quốc gia này đã trở thành "đầu tàu phát triển" cho toàn châu Âu, đồng thời đặt câu hỏi về các chính sách năng lượng được cho là "sai lầm" của Đức.

“Các chính sách của Đức đã gây ra thiệt hại to lớn cho châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói, đồng thời mô tả việc Berlin quyết định loại bỏ điện hạt nhân và than đá là "quá sớm”.  Ông Morawiecki cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo Đức đã cho phép xây dựng các hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, khiến nước này trở nên phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Cả Nga và Đức chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên.

Tuấn Anh