Theo báo Deutsche Welle, các nhà lãnh đạo của cả Hàn Quốc và Mỹ lên tiếng công khai rằng họ đang đạt được tiến bộ trong việc bàn bạc một thỏa thuận mà tất cả các bên liên quan cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 đều có thể đồng ý và rốt cuộc chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng, màn thể hiện sự đoàn kết này mang tính cưỡng ép và được thiết kế nhằm tạo ấn tượng rằng quan hệ liên minh vẫn rất vững chắc. Sự thực là, trong khi Seoul khát khao đạt một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Triều Tiên, cho phép Tổng thống Moon Jae In đi vào sử sách với vai trò một nhà lãnh đạo chấm dứt chiến tranh, Washington lại lưỡng lự khi thực hiện một bước tiến mà có thể dễ dàng làm đảo lộn cán cân an ninh mong manh ở Đông Bắc Á.  

{keywords}
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In muốn tiến tới tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến Triều Tiên. Ảnh: Reuters  

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, ông Moon đã nêu rõ ý định của mình: "Tôi đề nghị ba bên gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ hoặc bốn bên gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau và tuyên bố rằng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đã kết thúc".

Tổng thống Moon lập luận rằng "tuyên bố chấm dứt chiến tranh thực sự sẽ mở ra cánh cửa cho phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên".

Ít ngày sau đó, Mỹ tỏ tín hiệu họ đang "hãm phanh" mong muốn của Tổng thống Moon. Tại một cuộc họp báo, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan nói: "Chúng tôi có thể có quan điểm hơi khác về trình tự chính xác hoặc thời điểm của các điều kiện cho những bước đi khác nhau" nhằm đạt được một thỏa thuận về tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 3/11, các quan chức cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đã có các cuộc thảo luận ở Washington về cách thức nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. Giới phân tích cho rằng Mỹ rất vui khi thảo luận về vấn đề này nhưng vẫn chưa thực sự muốn một bước đi mà sẽ mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng, và có thể cả Trung Quốc, nhiều hơn so với cho Hàn Quốc hoặc Mỹ.

"Ông Moon khá kiên định kể từ khi nhậm chức. Ông ấy có thiện cảm hơn với Triều Tiên và quyết tâm để lại di sản là đạt được bước đột phá trong quan hệ với Bình Nhưỡng và cuối cùng là đạt được thống nhất. Trong khi đó, ông Biden tỏ ra lưỡng lự hơn nhiều và dường như ông ấy quyết tâm không lặp lại các chính sách của [Donald] Trump. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm muốn quay trở lại 'sự kiên nhẫn chiến lược' của [Barack] Obama", DW dẫn lời ông James Brown, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Temple bình luận.  

Thanh Hảo

Kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán, Mỹ - Hàn lặng lẽ tập trận chung

Kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán, Mỹ - Hàn lặng lẽ tập trận chung

Hàn Quốc và Mỹ, hôm nay (1/11), khởi động các cuộc tập trận chung trên không giữa lúc căng thẳng tăng cao sau loạt vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên.