Tổng thống Barack Obama nói rằng, Washington lo ngại việc TQ đang sử dụng "sức mạnh và quy mô" để o ép các nước nhỏ hơn ở Biển Đông.
Ông Obama phát biểu chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố chi tiết mục tiêu sử dụng các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp. Khi được hỏi về vấn đề này trong một chuyến thăm Jamaica, ông Obama cho rằng, quan điểm của các nước có chủ quyền nhỏ hơn TQ cần được xem xét.
TQ đang đẩy mạnh hoạt động cải tạo các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS |
TQ đã tiến hành rầm rộ hoạt động cải tạo các bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Chúng tôi rất quan ngại việc TQ không tuân thủ các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế và đang lợi dụng vị thế một nước lớn và sức mạnh quân sự của mình để chèn ép các nước khác”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Ông cũng tuyên bố: “Các tranh chấp trên Biển Đông với TQ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Việc Philippines hay Việt Nam không có được vị thế như TQ không có nghĩa là TQ có thể dẹp họ sang một bên”.
Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh nói, những nơi cải tạo sẽ được sử dụng vào mục đích quốc phòng cũng như cung ứng dịch vụ dân sự mà Bắc Kinh cho rằng có lợi cho nước khác. Bà này khẳng định, việc biến những bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo còn để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Bắc Kinh.
Khi được hỏi về tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho rằng, hoạt động cải tạo đảo "gây bất ổn" và "làm gia tăng lo lắng trong khu vực về những mục đích của TQ".
“Chúng tôi rất hy vọng TQ sẽ điều chỉnh vì lợi ích ổn định và mối quan hệ hữu hảo trong khu vực", ông nói với báo giới tại Washington.
TQ đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông - vùng biển chiến lược quan trọng, có giá trị thương mại tới 5 nghìn tỉ mỗi năm. Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có chủ quyền trong vùng biển này.
Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp. TQ thiên về cách giải quyết vấn đề với từng nước có liên quan trực tiếp. Cách này theo giới phân tích là nhằm "chia để trị", giúp TQ giành lợi thế trong đàm phán. Bắc Kinh cũng từ chối tham gia tòa trọng tài quốc tế mà Philippines đã đệ đơn kiện TQ vì yêu sách chủ quyền thái quá.
Yêu cầu TQ chấm dứt cải tạo đảo ở Trường Sa Ngày 5/3, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng tuyên bố: "VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền
của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc TQ xây dựng, mở rộng trái
phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần
đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN mà còn vi phạm
DOC đã ký kết giữa TQ và ASEAN.
VN phản đối và yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành
động sai trái đó".