Vừa qua, các nghị sĩ Mỹ và Bộ Tư pháp nước này đã công bố đề xuất nhằm giới hạn lại Điều 230 thuộc Đạo luật Chuẩn mực truyền thông. Những đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh một số bài đăng của của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành đối tượng kiểm duyệt nội dung của Facebook và Twitter.
Trước đó, từ khi được thông qua năm 1996, Điều 230 của luật này đã bảo vệ các công ty Internet khỏi nhiều vụ kiện về nội dung được đăng trên trang web của họ bởi các bên thứ ba. Điều 230 cũng cho phép các công ty thực hiện kiểm duyệt nội dung với "thiện chí".
Các nghị sỹ Mỹ và Bộ Tư pháp nước này đã công bố các đề xuất để giới hạn lại Điều 230 Đạo luật Chuẩn mực truyền thông. |
Điều 230 được đệ trình sửa đổi thế nào?
Thượng nghị sỹ Josh Hawley thuộc Đảng Cộng hòa vừa đưa ra một dự luật yêu cầu các công ty Internet phải chứng minh được sự “thiện chí" trong việc kiểm duyệt nội dung của họ để nhận được sự bảo vệ của Điều 230. Nhiều Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ dự luật này.
Theo dự luật, các công ty vi phạm có thể phải đối mặt với án phạt 5.000 USD cho mỗi người dùng bị ảnh hưởng. Luật áp dụng cho các công ty có hơn 30 triệu người dùng ở Mỹ hoặc 300 triệu người dùng trên toàn cầu và có hơn 1,5 tỷ USD doanh thu toàn cầu.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra đề xuất liệt kê một số hành động mà Quốc hội nên cân nhắc thực hiện để giảm đáng kể phạm vi của Điều 230.
Cụ thể, Bộ Tư pháp vận động từ chối quyền miễn trừ trong Điều 230 đối với nội dung liên quan đến lạm dụng trẻ em, khủng bố và xúc phạm trên không gian mạng. Đề xuất sẽ loại bỏ sự bảo vệ khỏi những nền tảng nào tạo điều kiện hoặc thu hút nội dung, hoạt động bất hợp pháp của bên thứ ba.
Bộ Tư pháp đang yêu cầu Quốc hội thay đổi ngôn ngữ trong luật liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung để gắn kết chặt chẽ hơn tiêu chuẩn "thiện chí" với điều khoản dịch vụ của các công ty. Bộ Tư pháp muốn yêu cầu các công ty đưa ra một "lời giải thích hợp lý" cho những lần kiểm duyệt nội dung.
Trước đó, ông Donald Trump từng ký sắc lệnh ngày 29/5 chỉ đạo Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đề xuất quy định làm rõ khi nào một công ty Internet không hành động với “thiện chí”.
Quy định này bao gồm trường hợp một công ty Internet quyết định hạn chế quyền truy cập vào nội dung nào đó nhưng hành động của công ty không phù hợp với điều khoản dịch vụ của chính họ, hoặc được thực hiện mà không có thông báo đầy đủ.
Anh Hào (Theo CNET)
Ông Trump cùng lúc bị “tuýt còi” trên cả Facebook, Twitter
Các bài viết và quảng cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter, Facebook đều bị “gắn cờ” hoặc gỡ bỏ.