Mỹ sẽ tăng thêm các cuộc tập trận với không chỉ các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines mà còn với cả các đối tác mới.

>>Kì 1: Trung Quốc muốn "lợi dụng" sự do dự của Mỹ

>> Kì 2: Trung Quốc tuyên bố không có 'gen bá quyền'

LTS: Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu phần 3 tài liệu nghiên cứu về Trung Quốc của tác giả Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

Đối phó với khiêu khích của TQ

Chúng ta có thể chia các biện pháp đối phó thành 2 loại: quân sự hoặc phi quân sự. Biện pháp quân sự liên quan đến sự hiện diện, các hoạt động, sự hiện đại hóa và các biện pháp khác nhằm khai thác điểm yếu an ninh của đối phương và xây dựng năng lực cho các đối tác. Biện pháp phi quân sự bao gồm các lĩnh vực về thông tin, ngoại giao và kinh tế.

Về mặt quân sự, Mỹ đang thực hiện một số biện pháp để cải thiện vị thế quân sự và sự hiện diện lâu dài của nước này ở Châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách tái cân bằng của Mỹ dựa trên nền tảng của sự hiện diện mạnh mẽ, phân bổ đồng đều về mặt địa lý, bền bỉ trong quyết tâm chính trị là rất quan trọng để chứng minh cam kết lâu dài của Mỹ với việc bảo vệ các tài sản chung toàn cầu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Kể từ khi Philippines đóng cửa các căn cứ Mỹ ở nước này vào đầu những năm 1990, Singapore trở thành trung tâm hậu cần rất quan trọng với Hải quân Mỹ. Gần đây, Singapore đã gợi ý cho phép Hải quân Mỹ đồn trú bốn tàu chiến đấu ven biển ở nước này. Chiếc tàu thứ 2 trong số những tàu chiến này sẽ sớm được triển khai tới Singapore.

Là một phần trong kế hoạch mới nhất nhằm tái bố trí lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, hai nước đang cải thiện năng lực phối hợp tác chiến và năng lực xây dựng các căn cứ chung cũng đồng thời cố gắng giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Okinawa để tăng thêm sự ổn định chính trị cho việc duy trì căn cứ của Mỹ tại đây. Chính quyền Abe cũng đang thúc đẩy kế hoạch di dời căn cứ không quân Futenma của Thủy quân lục chiến Mỹ, kết quả là Mỹ sẽ rút khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ khỏi Nhật Bản và chuyển 5.000 lính trong số này tới Guam. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử mới đây ở Okinawa có thể sẽ tạo ra những phức tạp mới trong kế hoạch di dời căn cứ không quân Futenma.

Năm 2015, người ta hy vọng Mỹ sẽ công bố thêm về tiến độ cũng như phạm vi của kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại Guam. Trong một thập kỷ vừa qua, Mỹ đã triển khai các máy bay ném bom hiện đại và ba tàu ngầm đến Guam, thậm chí việc này còn diễn ra trước tuyên bố năm 2011 về kế hoạch dịch chuyển lực lượng hải quân và không quân ở Châu Á-Thái Bình Dương.

{keywords}

Với tuyên bố trên, Mỹ quyết định phân bổ lại lực lượng hải quân và không quân giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, ưu tiên khí tài và nguồn lực hơn cho khu vực Thái Bình Dương theo tỷ lệ 60:40, thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây.

Tất nhiên, đây có thể là một phần trong tổng thể cơ cấu lực lượng nhỏ hơn, đòi hỏi Mỹ phải duy trì căn cứ ở nước ngoài cũng như đẩy mạnh hợp tác với các nước đồng minh và đối tác. Một Quốc hội mới do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ phối hợp tốt với chính quyền để kết thúc chương trình bảo lưu ngân sách, qua đó giảm bớt áp lực của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng nước này.

Tại Philippines, Mỹ đã đàm phán về thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, qua đó hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ cũng như các hợp tác quốc phòng tăng cường khác. Một loạt lựa chọn được đưa ra, bao gồm bố trí trang thiết bị, hỗ trợ nâng cấp một cơ sở hải quân mới ở Palawan hướng ra biển Đông, và triển khai luân phiên một phi đội máy bay tới Philippines thông qua các nhiệm vụ huấn luyện và diễn tập thường xuyên.

Đồng minh của Mỹ là Úc cũng đồng ý cho Mỹ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ trên cơ sở luân phiên tới căn cứ Darwin ở miền Bắc nước này. Lực lượng luân phiên này cho phép thực hiện nhiều hơn các hoạt động huấn luyện đổ bộ song phương và đa phương, đặc biệt là, hoạt động huấn luyện trên không tại căn cứ không quân Bradshaw.

Ngoài ra, Chính phủ Úc dưới thời Thủ tướng Tony Abbott cũng khá quan tâm đến việc nghiên cứu những hình thức hợp tác mới trong tương lai, bao gồm khả năng cho phép hải quân Mỹ sử dụng căn cứ HMAS Stirling, gần thành phố Perth, làm cảng nhà hoặc để Mỹ sử dụng quần đảo Cocos của Úc để tiến hành các nhiệm vụ tình báo, giám sát và do thám bằng thiết bị bay không người lái. Những ý tưởng trên – cùng hình thức hợp tác ba bên trên biển giữa Nhật Bản, Úc và Mỹ hay giữa Úc, Ấn Độ và Mỹ, có thể sẽ được nêu rõ trong sách trắng quốc phòng mới của chính quyền Abbott dự định công bố vào nửa đầu năm 2015.

Biện pháp thứ hai là tiến hành thêm nhiều hoạt động quân sự với các nước đối tác.

Mỹ đã thực hiện điều này khá tốt và hiện tại cần tăng thêm các cuộc tập trận với không chỉ các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan (cần nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan) và Úc, mà còn với cả các đối tác mới như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.

Mỹ cũng từng phô diễn sức mạnh, như sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này, hay trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở Bãi cạn Scarborough năm 2012, Mỹ cũng đã điều động một tàu ngầm tới Manila.

Biện pháp áp đặt giá phải trả thứ ba  đồng thời giúp chuẩn bị ngăn chặn các hành vi cưỡng ép trên biển, đó là khai thác điểm yếu và dễ bị tổn thương của quốc gia khiêu khích. Cách tiếp cận này liên quan đến việc hiện đại hóa quân sự hoặc các bước đi khác để làm lộ rõ điểm yếu an ninh của đối phương. Một số điểm yếu khiến  TQ dễ bị tổn thương đó là nước này chưa thể kiểm soát các eo biển hẹp, bị đe dọa bởi năng lực tác chiến chống ngầm vượt trội của Mỹ, và phải tập trung dàn trải vào nhiều khu vực địa lý.

Với điểm yếu  của TQ trong năng lực tác chiến chống ngầm, Mỹ và các nước đồng minh, đối tác có thể đầu tư nhiều hơn nữa vào hoạt động của tàu ngầm, và trong dài hạn là mua sắm tàu ngầm. Và như vậy sẽ buộc TQ phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để khắc phục điểm yếu này. Một cách khác để khai thác những điểm yếu của PLA là tạo ra những mối đe dọa về tên lửa và các mối đe dọa bất đối xứng khác, dù TQ đã đầu tư vào xây dựng các hệ thống tạo ra cái được gọi là năng lực chống tiếp cận và chống can thiệp.

Quân đội TQ rõ ràng coi tên lửa hành trình, bên cạnh các chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu, là công cụ phòng thủ hiệu quả để buộc quân đội Mỹ phải tránh xa các vùng biển của nước này. Nhưng nếu Mỹ thay thế các đầu đạn tên lửa hiện nay và trang bị những thiết bị mang nhiều đầu đạn tự dẫn cho máy bay không người lái, thì đây sẽ là mối đe dọa rất lớn với các lực lượng của  TQ, buộc nước này phải đầu tư nhiều hơn cho năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa trên đất liền và biển.

Tương tự như vậy, các khái niệm tác chiến Không-Biển của Mỹ có khả năng buộc TQ phải tập trung vào năng lực ngăn chặn ngay cả khi khái niệm này chưa được chứng thực, thông qua hay triển khai. Tất nhiên, các biện pháp trên không phải không có rủi ro và không gây tổn thất cho Mỹ.

Tác giả Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

Kì cuối: Đối phó chiến thuật cưỡng ép trên biển

Nguồn: Patrick Cronin, “How to Deal with Chinese Assertiveness: It’s Time to Impose Costs“, The National Interest, 4/12/2014.

Biên dịch: Hương Trà | Hiệu đính: Minh Ngọc

Theo nghiencuubiendong.net