Áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

ISO 9001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế phát triển và ban hành. ISO 9001:2015 còn được gọi là Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu. Trong khi đó, tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cũng được ra đời nhằm đáp ứng sự thay đổi to lớn về công nghệ, đa dạng kinh doanh và thương mại toàn cầu.

Đến nay, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của nước ta bao gồm trên 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài là 60%.

Tại Hội nghị “Đào tạo, tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá lĩnh vực thông tin, truyền thông” vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT) cũng nhận định công nghệ liên quan tới chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có xu hướng phát triển nhanh. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng được chú trọng, các sản phẩm nội địa hoá cũng nhận được sự quan tâm phát triển.

Theo ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nghị là dịp để trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc, cũng như đề xuất liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thế Vinh

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ trì Hội nghị mong muốn tập trung vào đối tượng chính là các đơn vị quản lý, nghiên cứu, các tổ chức chứng nhận, kiểm định và thử nghiệm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm mục tiêu hợp tác, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực nêu trên.

Theo thống kê của Vụ Khoa học và Công nghệ, tính riêng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có tổng cộng 126 quy chuẩn và 176 tiêu chuẩn liên quan. Đối tượng điều chỉnh là các sản phẩm, thiết bị, mạng lưới, hệ thống, dịch vụ và lĩnh vực an toàn thông tin. Trong đó, nhiều nhất là tiêu chuẩn và quy chuẩn với đối tượng tiêu chuẩn hoá là các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực viễn thông và CNTT (85 quy chuẩn và 76 tiêu chuẩn).

Một trong những nhiệm vụ chính về công tác tiêu chuẩn hoá là tạo nền móng chuyển đổi số. Theo định hướng, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục bổ sung một số đối tượng tiêu chuẩn hoá mới, trong đó có các công nghệ được coi là nền tảng như 5G, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… tiêu chuẩn hoá nền tảng số và tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng.

Theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Bộ Khoa học và Công nghệ, kế hoạch phát triển tiêu chuẩn cho các chuyên ngành cụ thể với các nhóm đối tượng và đối tượng mang tính đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam đến năm 2030 phải đảm bảo tiêu chuẩn hoá trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, gắn liền với nâng cao năng lực quản lý của Bộ ngành, địa phương.

Đặc biệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn phải trở thành nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ 4.0 phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là các tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thông tin lượng tử, công nghệ sinh học, dữ liệu lớn, blockchain.

Thế Vinh