Cần môi trường chính sách ổn định, thuận lợi

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. 

Loạt dự án hợp tác công nghệ Việt Nam - Mỹ tiêu biểu đã được công bố, như chuỗi cung ứng bán dẫn Amkor Technology (trụ sở tại Arizona) sẽ đặt nhà máy tại Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ USD.

Synopsys (trụ sở tại California) sẽ ra mắt một thiết kế bán dẫn và trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu Công nghệ cao TP.HCM. Marvell (trụ sở tại California) cũng sẽ công bố việc xây dựng một trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP.HCM.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart,... nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.216 dự án ở Việt Nam, với tổng số vốn là 11,4 tỷ USD. Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Song, số liệu này có thể chưa phản ánh hết được dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, bởi nhiều công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ vẫn thường xuyên đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như British Virgin Islands, Samoa, Cayman Islands…

Trao đổi với PV.VietNamNet, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư này đến Việt Nam, rất cần có môi trường chính sách tốt cho họ.

Đây không phải vấn đề về ưu đãi, mà là thể chế phải thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh, thu hút được mạng lưới doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ vào Việt Nam.

Để thu hút các tập đoàn lớn của Mỹ, bà Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị: “Môi trường chính sách ổn định, các thủ tục cần thuận lợi hơn nữa để các nhà đầu tư thấy đây là cơ hội đầu tư tốt. Các nhà đầu tư lớn nước ngoài thường rất chú trọng sự ổn định của chính sách, điều mà họ cần nhất”.

Theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư đang trông chờ chính sách của Việt Nam để quyết định phương án đầu tư. Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia là cơ hội để nhà đầu tư nhìn nhận lại hành lang thể chế đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Những lĩnh vực đầu tư mới về công nghệ cũng sẽ là khá mới của Việt Nam. Liệu Việt Nam có sẵn sàng cởi mở với những mô hình kinh doanh - đầu tư mới, ngành công nghệ mới không, hay vẫn dùng cách thức quản lý cũ cho các hoạt động đầu tư mới?

Đó cũng là dư địa tạo ra môi trường khuyến khích doanh nghiệp mới vào đầu tư, tạo ra sự lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước.

“Nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng còn một số rào cản của môi trường kinh doanh khi gia nhập thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại thể chế, đánh giá lại xem dư địa cải cách ở đâu để có thể thu hút được các nhà đầu tư trong những lĩnh vực mới”, bà Thảo kỳ vọng.

Apple đang mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Nỗ lực cải thiện để đón dòng vốn lớn

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) nhấn mạnh: Người Mỹ rất thực dụng và chuyên nghiệp nên họ thích cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại chứ không thích kiểu "đánh quả".

Để vào một thị trường nào, họ phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hơi. Họ sẽ đầu tư chỉ khi nào thực sự yên tâm với đồng tiền bỏ ra.

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA cũng đồng tình với quan điểm cần cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhiều hơn đầu tư từ Mỹ. Điều này sẽ giúp quan hệ kinh tế, thương mại hai nước thêm cân bằng, bền vững.

Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực. Đây cũng là những vấn đề cần được lưu tâm và cần những giải pháp cụ thể để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, đón làn sóng đầu tư mới.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư chất lượng cao của Mỹ vào Việt Nam sẽ đối mặt một thách thức mới. Đó là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các quốc gia nhận vốn FDI không được áp dụng thuế suất thấp hơn 15%. Khi đó, các nước thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế như Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam, chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.

Việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác. Đồng thời, giảm động lực của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp, việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia. Hệ quả, vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như việc thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc, chất lượng cao bị ảnh hưởng.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang soạn thảo các dự thảo nghị quyết để Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế chính sách mới cho thu hút FDI. Đó là dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu...

Việc thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm thay đổi căn bản động lực đầu tư của một tập đoàn đa quốc gia, trong đó các nhà đầu tư Mỹ. Quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào các yếu tố phi thuế trong thời gian tới. Đó là môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ, số lượng cũng như chất lượng lao động, công nghiệp hỗ trợ.

Phạm Lương Bằng, Đinh Bạt Tuấn, Trần Bích Hạnh