Chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay, ông ủng hộ việc có đồng phục học sinh. 

'Việc mặc đồng phục không chỉ để tránh phân biệt giàu nghèo mà theo tôi cái chính là tạo nên tính thống nhất trong một nhà trường. Bởi khi thấy học sinh mặc đồng phục của trường, giáo viên có thể biết ngay đó là học sinh của mình.

Ngược lại, khi học sinh mặc quần áo lẫn lộn, nhà trường và giáo viên sẽ rất khó để kiểm soát. Bởi một giáo viên có khi chỉ dạy một vài lớp nhất định mà không thể biết hết học sinh toàn trường', ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, vấn đề về an toàn và an ninh nhà trường cần được ưu tiên. Mặc đồng phục giúp việc quản lý trường học, quản lý học sinh được thuận tiện hơn.

Thứ hai, việc mặc đồng phục cũng giúp học sinh có ý thức về nhà trường, hay đơn giản có suy nghĩ 'đang khoác trên mình thương hiệu của trường', từ đó, có ý thức và trách nhiệm hơn trong từng lời ăn tiếng nói, hành vi, ứng xử,... của mình. 

'Khi mặc đồng phục, các em sẽ ý thức hơn về việc xã hội biết mình đến từ đâu, học sinh của trường nào. Do đó phần nào hạn chế những hành vi lệch chuẩn', ông Lâm cho biết.

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, không vì thế mà các nhà trường phải đưa ra những bộ đồng phục 'sang trọng' hoặc quá đắt đỏ tạo gánh nặng lên phụ huynh và các gia đình.

'Các trường cũng cần lưu ý việc thiết kế theo kiểu độc đáo hay dùng loại vải này kia, đẩy giá thành đồng phục lên cao, tạo áp lực cho các gia đình khó khăn. Không nên lạm dụng đồng phục để làm khổ học sinh, phụ huynh', TS Lâm nói.

Ảnh minh họa.

Còn TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đồng phục không chỉ xóa sự phân biệt giàu nghèo giữa các học sinh mà còn có thể đẩy lùi những suy nghĩ, dừng việc thực hiện hành vi của những kẻ xấu.

'Tôi nghĩ vào một nơi nào thì cần có nội quy và đồng phục như là một chỉ dấu. Khi ở một môi trường có nhiều người mặc quần áo giống nhau có thể làm chùn những hành vi của tội phạm, đó là sức mạnh vô hình của tính tập thể.

Đồng phục còn giúp chính các em học sinh tập trung vào việc học hơn là quần áo, đỡ mất thời gian chọn quần áo mỗi ngày, thậm chí phần nào rèn tính kỷ luật mặc trang phục theo quy định mỗi ngày', ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, việc mặc đồng phục cũng làm cho các học sinh không chỉ trong cùng lớp mà cùng trường thêm sự đoàn kết và tinh thần cộng đồng cao hơn.

'Ngoài ra, khi nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục đến trường, các gia đình có thể tiết kiệm được tiền khi không phải mua nhiều quần áo theo sự đòi hỏi của con em.

Khi học sinh mặc đồng phục, đối xử của bản thân các thầy cô với học sinh cũng sẽ có xu hướng bình đẳng hơn bởi các em không thể hiện cá tính qua quần áo', ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, không vì thế mà các nhà trường quá nặng nề về việc bắt buộc phải sử dụng đồng phục mỗi ngày lên lớp.

'Bởi dù sao các bộ đồng phục cũng không đại diện được cho những yếu tố cốt lõi mà giáo dục có thể hình thành cho những đứa trẻ. Cái cốt lõi mà các nhà trường, thầy cô cần lưu tâm nhất vẫn là dạy học sinh hiểu được vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn giá trị hơn vẻ bề ngoài.

Có như vậy, kể cả khi trẻ dù thấy mình thua kém bạn bè về trang phục (trong những thời điểm không có đồng phục) thì cũng không thấy tự ti, hay cảm giác phân biệt', ông Nam nói.

Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại.  

Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?". 

Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!