Chuyển đổi số Việt Nam nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam. Lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài nhằm nói lên câu chuyện của các nền tảng số Việt.

Bài 1: Chuyển đổi số Việt Nam: Nền tảng nội cạnh tranh sòng phẳng cùng hàng ngoại

Bài 2: Nền tảng số Việt đang gặp khó ở đâu?

Bài 3: Hiến kế 'chắp cánh, mở đường' cho các nền tảng số Việt Nam

Kinh tế nền tảng là sự chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế, nơi các mô hình kinh doanh tập trung cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dịch vụ số liên quan, cho phép nhiều nhà cung cấp, khách hàng hoặc người dùng giao dịch trên cùng một nền tảng.

Các công ty nhanh nhạy nắm bắt cơ hội do nền kinh tế nền tảng mang lại, có thể đạt được lợi thế trong hoạt động kinh doanh cốt lõi và hơn thế nữa.

Nghiên cứu của McKinsey, dựa trên cuộc khảo sát năm 2018, cho thấy các công ty khi sở hữu bất kỳ nền tảng nào, đều có mức tăng trưởng thu nhập cao hơn so với các doanh nghiệp phi nền tảng.

Chiến lược “buộc phải có”

Năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Trường Quản lý MIT Sloan ở Massachusetts đã phát hiện ra 43 công ty nền tảng niêm yết công khai hàng đầu có lợi nhuận hoạt động, tốc độ tăng trưởng và vốn hóa thị trường cao gần gấp đôi so với 100 công ty lớn nhất trong cùng lĩnh vực kinh doanh trong khoảng thời gian 20 năm chỉ với một nửa số nhân lực.

Nền tảng số trở thành chiến lược "buộc phải có" đối với từng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp như nhà bán lẻ Amazon là những điển hình thành công dễ thấy nhất, dù không hoàn toàn là kỹ thuật số. Trong khi đó, những công ty “thuần kỹ thuật số” như Facebook, Netflix, Google và Uber, hiện đã trở thành những cái tên quen thuộc.

Michael Cusumano, giáo sư quản lý chiến lược tại MIT Sloan và là đồng tác giả của The Business of Platforms, đã nghiên cứu hơn 400 “kỳ lân” (công ty trị giá hơn 1 tỷ USD) có kinh doanh nền tảng. Ông nói với tờ FT rằng một số doanh nghiệp thành lập từ nhiều năm trước đã xử lý thành công quá trình phát triển kỹ thuật số.

Nền tảng số cũng là công cụ giúp doanh nghiệp “đi ra biển lớn” và tìm kiếm thị trường mới, trong đó kiểm soát tương tác với khách hàng cũng như hiểu biết sâu sắc về dữ liệu của họ quan trọng hơn quyền sở hữu tài sản vật chất và cơ sở hạ tầng.

Mặc dù không phải mọi công ty đều có khả năng xây dựng nền tảng kỹ thuật số của riêng mình và phát triển cộng đồng cần thiết để phát triển nền tảng đó, song mọi công ty đều cần có chiến lược để thích ứng với nền kinh tế nền tảng.

Nhóm dân số trẻ dưới 34 tuổi dẫn đầu xu hướng mua sắm trực tuyến.

“Đâu đó trong chuỗi giá trị của mình, bạn sẽ phải làm việc với các nền tảng, họ có thể là người gác cổng tiếp cận thị trường, hoặc là nhà cung cấp những khả năng cơ sở hạ tầng quan trọng cho hoạt động kinh doanh của bạn”, Sangeet Paul Choudary, nhà sáng lập Platformation Labs cho biết.

Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không cân nhắc phát triển chiến lược phù hợp, họ sẽ đối mặt “nguy cơ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh”.

Thay đổi trong xu hướng tiêu dùng

Nhu cầu về một chiến lược nền tảng thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực bán lẻ. Công ty nghiên cứu Insider Intelligence dự báo doanh số bán hàng thương mại điện tử sẽ tăng 50% trên toàn thế giới, chiếm 24% doanh số bán lẻ toàn cầu vào năm 2025, đạt giá trị 7,4 nghìn tỷ USD.

Ngay cả khi tăng trưởng số lượng người mua sắm kỹ thuật số chậm lại so với tốc độ tăng đột biến trong thời điểm dịch Covid-19, tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến vẫn được dự đoán sẽ tăng 34% vào năm 2025, tương đương 2,77 tỷ trong tổng số 8,2 tỷ dân số thế giới sẽ tham gia lĩnh vực này.

Theo khu vực, doanh số bán lẻ ở châu Á Thái Bình Dương, do Trung Quốc thống trị, dự kiến sẽ có giá trị gấp ba lần so với Bắc Mỹ.

Khảo sát của McKinsey về độ tuổi khách hàng tham gia mua bán trực tiếp (live-commerce).

Sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người dân tạo ra tiềm năng lớn tới mức các chuyên gia nhận định Mỹ - thị trường thương mại điện tử dự báo lớn thứ hai thế giới vào năm 2023, vẫn còn dư địa phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,8% mỗi năm và hướng tới chiếm 1/3 số lượng giao dịch mua sắm vào năm 2027 - theo dữ liệu từ EcommerceDB (đối tác hãng thống kê Statista).

Tính đến trước đại dịch Covid-19, có 70% người trưởng thành tại Mỹ mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, Adobe Analytics cho biết vào dịp Black Friday năm 2022, hoạt động mua sắm trên thiết bị di động tại đây chiếm 48% tổng doanh số bán hàng trực tuyến.

Harley Finkelstein, chủ tịch nền tảng thương mại điện tử Shopify, nhận định sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã “phá vỡ” trải nghiệm mua sắm “Ngày thứ Sáu đen” truyền thống. 

Tác động của nền kinh tế kỹ thuật số vượt ra ngoài lĩnh vực tiêu dùng. IbisWorld ước tính sau khi tăng trưởng trì trệ trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, thương mại trực tuyến sẽ mở rộng lên 28% trong tổng hoạt động kinh doanh vào năm 2023. 

Bán hàng trực tiếp (live-commerce) bùng nổ

Hình thức bán hàng trực tiếp (người bán và người mua tương tác theo thời gian thực trên nền tảng) bắt đầu nổi lên vào năm 2016 với sự xuất hiện của Alibaba Taobao Live.

Bảy năm sau, nghiên cứu mới nhất của McKinsey cho thấy định dạng mua sắm này tiếp tục xuất hiện nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội, nơi sản phẩm hàng hoá tận dụng tối đa mạng lưới và những người ảnh hưởng (KOL) để tương tác, đã trở thành xu hướng chủ đạo tại Trung Quốc cùng các dấu hiệu tăng trưởng mạnh ở những thị trường khác như Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc là thị trường thương mại trực tiếp lớn nhất thế giới, xét trên tần suất sử dụng và số tiền chi ra mua sắm của khách hàng.

Tại Trung Quốc, có 57% người dùng live-commerce cho bết họ đã sử dụng hình thức mua sắm này được hơn ba năm, trong khi con số này ở Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu chỉ từ 5 đến 7%.

Quốc gia này cũng có tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tiếp thường xuyên cao nhất thế giới, với 87% người được hỏi thực hiện hoạt động này ít nhất 1 lần mỗi tháng so với 43% ở Mỹ, 52% ở châu Âu và 64% ở Mỹ Latinh.

Nghiên cứu cũng cho thấy bán hàng trực tiếp vẫn có tiềm năng tăng trưởng to lớn, ngay tại thị trường mà nó “trưởng thành” nhất.

Khoảng 72% người dùng tại Trung Quốc khẳng định họ muốn mua sắm nhiều sản phẩm hàng hoá hơn thông qua định dạng này, so với người dùng tại Mỹ Latinh (63%), Mỹ (49%) và châu Âu (38%).

Về phía các doanh nghiệp, Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) là nền tảng được sử dụng nhiều nhất cho live-commerce với 88%, đứng sau là Taobao Live (61%) và Xiaohongshu (22%).

Còn tại thị trường châu Âu và châu Mỹ, các kênh chủ yếu bao gồm Facebook, Instagram, YouTube, TikTok và Amazon.