Theo Reuters, sản xuất quân sự tăng cùng các khoản chi tiêu khổng lồ của nhà nước đang giúp ngành công nghiệp quân sự - quốc phòng của Nga tiếp tục phát triển, đồng thời giúp làm dịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kiểm tra các hệ thống tên lửa chiến lược Yars mới được lắp đặt tại khu vực Kaluga của nước này tháng 4/2023. Ảnh: Reuters

Dữ liệu công bố trên cổng thông tin ngân sách trực tuyến của Kho bạc Liên bang Nga đã cung cấp thông tin cụ thể về chi tiêu quân sự tăng vọt của xứ sở bạch dương. Bộ Tài chính Nga từng ngừng công bố số liệu hoàn thành ngân sách mỗi tháng vào tháng 5 năm ngoái, nhưng hiện đã bổ sung dữ liệu cho năm 2022 và đầu năm nay trên cổng thông tin này.

Theo dữ liệu mới, trong 2 tháng đầu năm 2022, Nga đã chi 525,4 tỷ rúp từ ngân sách cho các hoạt động quốc phòng. Moscow xúc tiến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2 cùng năm.

Tuy nhiên, mức chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng vọt lên 1.180 tỷ rúp vào tháng 1 năm nay và ở mức 822,4 tỷ rúp vào tháng 2.

Kế hoạch chi tiêu năm 2023 của Nga dự kiến dành 4.980 tỷ rúp cho quốc phòng. Vì vậy, dữ liệu mới phản ánh nước này mới chi hơn 40% ngân sách phân bổ hàng năm theo kế hoạch cho lĩnh vực quốc phòng trong 2 tháng đầu năm nay.

Các số liệu công bố tuần trước cho thấy, thâm hụt ngân sách của xứ sở bạch dương ở mức 3.400 tỷ rúp từ tháng 1 - tháng 4/2023 trong khi cùng kỳ năm ngoái là thặng dư 1.200 tỷ rúp. Điều này được tin là do Moscow đã chi tiêu mạnh tay hơn trong khi doanh thu từ ngành năng lượng giảm.

Năm ngoái, Nga đã chi 5.510 tỷ rúp (gần 69,1 tỷ USD), tương đương 17,1% tổng chi tiêu, cho quốc phòng, tăng khoảng 14,4% so với một năm trước đó. Trong 2 tháng đầu năm nay, chi tiêu quốc phòng của nước này chiếm 36,2% tổng chi ngân sách, gần gấp đôi số chi cho chính sách xã hội và gấp 4 lần cho “nền kinh tế quốc dân”.