Cuộc diễu binh hôm nay tại Quảng trường Đỏ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức là cơ hội để Nga trình làng một số trang thiết bị quân sự mới nhất.


Tổng thống Vladimir Putin có thể chứng minh với người dân Nga và thế giới rằng, nước Nga đã trở lại thời kỳ hoàng kim về quân sự.

Xe tăng thế hệ mới

Xe tăng Armata T-14 là cuộc cách mạng với Nga - chiếc xe tăng mới đầu tiên thực sự được thiết kế kể từ Chiến tranh Lạnh. Các mẫu xe tăng hiện nay của Nga cơ bản được nâng cấp từ một thiết kế năm 1964 khi loại T-64 đi vào phục vụ.

Igor Sutyagin, nhà phân tích quân sự ở tổ chức RUSI tại London giải thích: "Nó được thiết kế trong môi trường khác biệt - cho Thế chiến II - kiểu tăng đấu tăng. Ngày nay, vũ khí chống tăng tấn công xe tăng cực kỳ hiệu quả, và khó có thể cải thiện được việc bảo vệ của một chiếc T-64. Vì thế, quân đội Nga cần một thiết kế khác biệt - đó chính là Armata".

{keywords}

Xe tăng Armata T-14, niềm tự hào của quân đội Nga

Cải tổ quân sự

Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Nga vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Keir Giles, chuyên gia nghiên cứu quân đội Nga tại Trung tâm nghiên cứu xung đột nói rằng, những cải tổ quân sự của Nga đã diễn ra trong 7 năm được "kích hoạt trong cuộc xung đột với Grudia năm 2008".

"Nga đã chiến thắng thuyết phục nhưng nó cũng cho thấy, việc tổ chức quân đội và trang thiết bị đã lỗi thời" - chuyên gia Nga nói.

{keywords}

Tên lửa RS-24: Nga vẫn có kho hạt nhân hùng mạnh

Kể từ đó, Nga đã nỗ lực đại tu quân đội ở mọi khía cạnh, từ đầu tư khổng lồ và hệ thống vũ khí mới - từ vũ khí hạt nhân đến quân phục, hay trang bị cá nhân. Theo Giles, cuộc khủng hoảng Ukraina chứng tỏ việc cải tổ đã có kết quả. Các chỉ huy NATO đánh giá, người Nga thực sự có bước tiến trong chiến tranh điện tử, máy bay không người lái và hỗ trợ hậu cần.

"Nga thừa hưởng những gì còn lại của quân đội Liên Xô và biến chúng thành một lực lượng chiến đấu đáng nể, được thiết kế cho xung đột của thế kỷ 21", ông Giles nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều việc phải làm, và vị thế kinh tế Nga ít nhiều bị sụt giảm bởi giá dầu lao dốc và các biện pháp cấm vận của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crưm năm ngoái. Tuy nhiên, Igor Sutyagin cho rằng, tiền đổ vào cho nỗ lực hiện đại hóa quân sự vẫn được đảm bảo.

Quan hệ rạn nứt của Nga với Ukraina khiến cho việc cải tổ quốc phòng càng có ý nghĩa hơn. Keir Giles nhấn mạnh, một trong những vấn đề đau đầu trong chương trình hiện đại hóa quân đội là mất đi sự tiếp cận với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraina.

Theo chuyên gia này, thậm chí một thời gian dài sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraina vẫn hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực công nghiệp quân sự. Giờ đây, Nga phải tìm kiếm nguồn linh kiện cho tàu chiến, máy bay và hệ thống vũ khí ở nơi khác, hoặc phải tự mình chế tạo.

Igor Sutyagin cũng cho hay, các quan chức quốc phòng Nga công khai thừa nhận rằng, 30% nhập khẩu từ Ukraina cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga là không thể thay thế trong nước.

"1/3 là khá lớn khi bạn cần nhớ rằng, cứ trong 5 phần thiết bị khí tài quân sự Nga có một phần của Ukraina hoặc phụ thuộc vào Ukraina", ông nói.

{keywords}

Quân đội Nga diễn tập diễu binh tại Quảng trường Đỏ

Nga có những ưu tiên cho lực lượng hạt nhân chiến lược với các tàu ngầm và tên lửa mới. Quân đội ưu tiên lực lượng đặc nhiệm và tấn công trên không. "Kết quả là, một lực lượng đặc nhiệm được đánh giá cao đã xuất hiện trên đường phố Crưm hồi đầu năm 2014", theo Giles.

{keywords}

Hệ thống tên lửa đất đối không S400

{keywords}

Máy bay chiến đấu Nga diễn tập cho diễu binh

{keywords}

Hạm đội Baltic diễn tập mừng ngày chiến thắng

Thái An (theo BBC)