Vài phút trước, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc lập một tòa án quốc tế điều tra, xét xử vụ máy bay MH17 bị bắn rơi tháng 7 năm ngoái ở đông Ukraina.
Đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết. (Ảnh: RT) |
Theo hãng tin RT, trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Moscow đã công khai nói rằng nước này sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để đảm bảo rằng văn kiện do Malaysia đề xuất sẽ không được thông qua. Phía Nga đã cảnh báo rằng, một tòa án như vậy sẽ dẫn đến các đối đầu nhiều hơn trên trường quốc tế.
Phía Nga lưu ý rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa bao giờ tổ chức một tòa án quốc tế về một vụ tai nạn máy bay. Mặc dù vụ việc chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi là một hành vi phạm tội, nhưng nó không phải là một mối đe dọa đối với vấn đề an ninh toàn cầu.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh lập trường của nước ông phản đối việc thành lập một tòa án quốc tế xử phạt những người đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines.
"Tổng thống Nga khẳng định lập trường vững vàng rằng, việc thành lập ra một cơ quan tư pháp như vậy là việc làm không thích hợp", Điện Kremlin trong một tuyên bố cho biết. Tổng thống Nga cũng đã điện thoại giải thích cho Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lý do Nga không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết về vấn đề này.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 ở đông Ukraina. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Nga đã nói với Thủ tướng Hà Lan rằng, Moscow hiện còn "nhiều dấu hỏi" về cuộc điều tra của nhóm chuyên gia quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề thu thập chứng cứ. Ông Putin cũng nhắc lại ý kiến phàn nàn về việc các chuyên gia điều tra nước này đã không được phép tiếp cận một phần đáng kể công việc.
Hôm 28/7, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã cảnh báo Moscow sẽ dùng quyền phủ quyết của mình đối với dự thảo nghị quyết trên. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Chính phủ Nga cho rằng sáng kiến về việc thành lập tòa án này là không phù hợp và còn quá sớm.
Dự thảo này vốn là do Malaysia đề xuất. Dự thảo đề xuất lập một tòa án quốc tế điều tra vụ MH17. Các thẩm phán và công tố viên sẽ do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ định. Dự thảo này còn kêu gọi các nước thành viên tôn trọng Nghị quyết 2166, và cung cấp hỗ trợ tối đa cho cuộc điều tra quốc tế vụ tai nạn trên.
Một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Australia, Ukraina và Bỉ đã lên tiếng ủng hộ dự thảo nghị quyết này. Trong khi, Moscow đề nghị chờ báo cáo chính thức của nhóm điều tra quốc tế do Hà Lan đứng đầu để xác định thủ phạm bắn hạ MH17 trước khi đưa ra bước đi tiếp theo. Báo cáo sẽ được công bố trong tháng 10.
Tháng 7 năm ngoái, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 đã bị bắn hạ ở khu vực miền đông Ukraina, làm toàn bộ 298 người trên khoang đều thiệt mạng. Kiev và nhiều quốc gia phương Tây đã cáo buộc phe ly khai ở miền đông là thủ phạm và đã sử dụng loại tên lửa do Nga chế tạo, song Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Quyền phủ quyết là việc một quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình, kể cả khi tất cả những quốc gia thành viên khác, thường trực hay không thường trực, đã bỏ phiếu tán thành. Nói cách khác, đây là việc thực hiện nguyên tắc nhất trí giữa 5 nước ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc). Trong suốt quá trình hoạt động của mình, với tư cách ủy viên thường trực, tất cả 5 nước này đều đã áp dụng quyền phủ quyết, trong đó Mỹ và Liên Xô (cũ) là những nước sử dụng nhiều nhất. |
Thanh Vân