Trao đổi với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken qua điện thoại ngày 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, các diễn biến mới nhất, kể cả quyết định gây chấn động của Nga có liên quan đến việc các bên không thực hiện Thỏa thuận Minsk 2015 (còn gọi là Thỏa thuận Minsk 2), vốn vạch ra lộ trình tái hòa nhập một cách hòa bình của các khu vực ly khai ở Donbass vào Ukraina.

{keywords}
Toàn cảnh phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraina ngày 21/2. Ảnh: Reuters

Trước đó, hôm 21/2, Moscow trích dẫn việc Kiev từ chối thực hiện các cam kết theo Nghị định thư Minsk và từ chối tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại với các lực lượng ly khai là nguyên nhân khiến Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở Donbass. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội nước này triển khai binh sĩ tới DPR và LPR để bảo vệ hai vùng ly khai trước bất kỳ hành động quân sự nào của quân đội Ukraina.

Theo báo RT, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc khẳng định, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Ukraina vẫn nhất quán. “Các mối quan ngại chính đáng về an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cần được tôn trọng", ông Vương Nghị nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan “kiềm chế, nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc bất khả xâm phạm về an ninh, xoa dịu tình hình và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và thương lượng”.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã tiến hành phiên họp khẩn về cuộc khủng hoảng Ukraina theo yêu cầu từ Mỹ, Ukraina, 5 nước châu Âu và Mexico. Trong tháng 2 này, Nga đang giữ chức chủ tịch luân phiên của HĐBA.

Phát biểu tại tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích việc ông Putin ra lệnh cho binh sĩ Nga tiến sang miền đông Ukraina với lí do gìn giữ hòa bình là "vô lí". Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield cũng ra thông cáo nhấn mạnh, HĐBA cần phải yêu cầu Moscow tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, một quốc gia thành viên LHQ.

Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc việc Nga công nhận độc lập của hai khu vực ly khai ở Ukraina chỉ làm leo thang căng thẳng. Washington tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Moscow trong ngày 22/2.

Đáp trả, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết, việc công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk là phù hợp mong muốn của người dân hai khu vực này và cũng nhằm tránh xảy ra chiến tranh ở Donbass. Ông Nebenzia khuyến cáo các cường quốc phương Tây "cần suy nghĩ thấu đáo" để tránh làm tồi tệ thêm tình hình. Quan chức này cũng tái khẳng định, Moscow "sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao" cho cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraina tại LHQ Sergiy Kyslytsya nhấn mạnh, biên giới của quốc gia Đông Âu này sẽ không thay đổi, dù Nga có hành động ra sao. Từ Kiev, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy cũng tuyên bố, nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ, đồng thời cáo buộc Nga đã hủy hoại các nỗ lực hòa bình.

Các nước thành viên khác của HĐBA lên tiếng kêu gọi các bên liên quan giảm căng thẳng lập tức, với lí do nếu căng thẳng dẫn đến xung đột quân sự, người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuấn Anh

>>> Xem thêm tình hình tại Ukraine hiện nay

Vì sao ông Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina?

Vì sao ông Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina?

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraina được tin vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những bước đi sai lầm của phương Tây.