Theo Pravda, trong ngày 4/2 (giờ địa phương), Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, Nga đã củng cố lại lực lượng và nỗ lực tiến công tại các khu vực tiền tuyến Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka.

"Trong vòng 24 giờ qua, đối phương đã thực hiện 9 cuộc pháo kích nhắm vào các khu vực giao tranh ở Kherson và Luhansk", thông báo của Ukraine cho biết.

Pháo binh Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: pravda

Cũng theo thông báo này, trong ngày 4/2, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện 3 cuộc tập kích nhắm vào các địa điểm tập trung khí tài quân sự của Nga. Bên cạnh đó, lực lượng pháo binh của Ukraine cũng thành công phá hủy một tổ hợp tên lửa phòng không và một kho chứa nhiên liệu của đối phương.

Nga và Mỹ tranh cãi về báo cáo của WHO

Theo Sky News, trong ngày 4/2 (giờ địa phương), Nga và Mỹ đã đưa ra những ý kiến trái chiều về báo cáo khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Báo cáo của WHO được Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus trình bày, ghi nhận 17,7 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và 7,5 triệu người tị nạn Ukraine phải di dời khắp châu Âu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: SN

Đại diện Nga tại WHO nói rằng bản báo cáo đã bị "chính trị hóa", khẳng định các thông tin được đưa ra là không chính xác. Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Sheba Crocker kêu gọi cập nhật chi tiết hơn về các sự kiện xảy ra tại Ukraine từ tháng 9/2022.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra những thiệt hại lớn cho người dân và hệ thống cơ sở hạ tầng của Ukraine", bà Crocker nói.

Đàm phán về vùng an toàn quanh nhà máy Zaporizhzhia gặp khó

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mới đây đã thừa nhận các cuộc đàm phán về việc lập vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bị đình trệ.

"Quá trình đàm phán về việc thiết lập vùng an toàn không có tiến triển. Chúng tôi đã gửi đề xuất của mình cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhưng Ukraine vẫn đang giữ im lặng. Rõ ràng họ đang khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn", ông Ryabkov nói.

Trong thời gian vừa qua, khu vực xung quanh nhà máy Zaporizhzhia liên tục xảy các vụ pháo kích. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau là bên thực hiện. Vì vậy, IAEA đã đứng ra làm trung gian đàm phán để thiết lập vùng an toàn xung quanh nhà máy, nhằm ngăn ngừa các sự cố hạt nhân có thể xảy ra.