Các số liệu của Tuần báo quốc phòng Mỹ IHS Jane cho thấy, Moscow phải chi khoảng 4 triệu USD/ngày cho chiến dịch không kích tại Syria. Kể từ ngày đầu tiên chính thức can thiệp quân sự, 30/9, tính cả chi phí oanh kích, hậu cần, cơ sở hạ tầng và nhân sự cùng với loạt tên lửa hành trình... Nga đã chi 80-115 triệu USD.

So với mức chi 50 tỉ USD cho quốc phòng Nga năm nay, con số trên không quá lớn, nhưng giới phân tích cảnh báo, Moscow có thể chứng kiến số tiền ngày một hao hụt hơn. Chưa kể cuộc chiến tại Syria có thể kéo dài nhiều năm, và nếu xảy ra thương vong, sự can dự của Nga sẽ leo thang đáng kể.

{keywords}
Ảnh: Express

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong 3 tuần qua, có khoảng 36 máy bay chiến đấu và 20 trực thăng tấn công Nga thực hiện 40 chuyến xuất kích mỗi ngày.

Dữ liệu chính xác khá khan hiếm, nhưng các phương tiện truyền thông cho rằng, triển khai sứ mệnh bảo vệ và phục vụ không quân là khoảng 1.500 - 2.000 người mặt đất. Theo IHS, mỗi máy bay chiến đấu cần 12.000 USD cho một giờ bay, trực thăng là khoảng 3.000 USD.

Nếu tính việc thực hiện nhiệm vụ đánh bom, các máy bay trung bình một ngày ở trên trời tầm 90 phút, trực thăng khoảng một giờ thì Moscow đang phải chi 710.000 USD/ngày, chưa kể 750.000 USD tiền đạn dược, chi phí nhân sự hỗ trợ là 440.000 USD.

Các tàu ở Địa Trung Hải cần 200.000 USD, thêm chi phí hỗ trợ như hậu cần, thông tin tình báo, liên lạc và bảo trì thêm 250.000 USD/ngày.

Những ước tính trên chưa đề cập tới việc Nga đẩy mạnh oanh kích, hay sử dụng thêm vũ khí mặt đất. Dĩ nhiên, mức chi phí còn kém xa những gì Mỹ và Anh chi cho chiến trường Iraq và Afghanistan.

Chi phí cũng chưa gồm việc phóng hàng loạt tên lửa hành trình ngày 7/10. Theo IHS, mỗi tên lửa Kaliber phóng đi từ đội tàu Caspian của Nga có giá 1,2 triệu USD. Nếu tính cả 4 quả tên lửa mà Mỹ nói rơi ở Iran cùng với 26 tên lửa phóng vào các mục tiêu Syria thì tổng chi phí lên tới 36 triệu USD.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga từ chối yêu cầu bình luận về chi phí cho các hoạt động ở Syria.

Giá rẻ?

Tác chiến không quân ở Syria cho phép Nga có cơ hội thử nghiệm các vũ khí mới trong tác chiến thực tế, giúp binh lính có kinh nghiệm để gia tăng khả năng chiến đấu.

{keywords}
Ảnh: Moscowtimes

Đó cũng là cơ hội để các trang thiết bị quân sự Nga ra mắt khách hàng nước ngoài. Năm ngoái, Moscow xuất khẩu thiết bị quốc phòng trị giá 15,5 tỉ USD. Chỉ cần tăng 1% số này đã tương đương với mức chi một tháng cho oanh tạc tại Syria.

Nhưng lợi ích lớn nhất chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, và ngày càng trở nên ít đi nếu xung đột kéo dài, Vadim Kozulin, một nhà phân tích quân sự tại trung tâm nghiên cứu quốc phòng PIR ở Moscow nói.

Một số nhà phân tích đã so sánh chiến dịch quân sự hiện tại ở Syria với cuộc chiến Liên Xô tiến hành tại Afghanistan. Nhưng Liên Xô có dồi dào khả năng để điều quân đến Afghanistan năm 1979: giá dầu cao, doanh thu lớn từ xuất khẩu dầu thô.

Còn Nga can thiệp tại Syria trong bối cảnh giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên và Nga đang trong một cuộc khủng hoảng tài chính.

Chưa kể, Nga đang mở rộng triển khai quân sự ở nước ngoài như Syria, Bắc Cực, các nước cộng hòa Liên Xô cũ - nhất là Trung Á. Moscow công khai với truyền thông những hình ảnh các trang thiết bị hiện đại, cảnh quay phóng tên lửa hoành tráng, cảnh dội bom, thậm chí còn cập nhật hàng ngày thông tin trên Facebook và Twitter với nhiều ngôn ngữ.

Dù sao, chi phí vẫn không lại chuyện lớn với Kremlin, Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) tại Moscow cho biết. "Như chúng ta thường nói, trình diễn có giá trị hơn tiền bạc".

Thái An (Theo Moscowtimes)