Ưu tiên tín dụng cho lúa gạo và thuỷ sản
Tại hội nghị Thúc đẩy tín dụng cho lúa gạo và thuỷ sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng khu vực này mới chỉ đạt 5,35%, thấp hơn mức chung của cả nước (5,56%), trong khi mọi năm tín dụng của vùng này luôn tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước. Điều này cho thấy sự khó khăn, vướng mắc, cần phải được nhận diện để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc SHB Chi nhánh Cần Thơ, cho biết đối với khu vực Cần Thơ, lúa gạo và thuỷ sản là trọng điểm nên hiện nay dư nợ đối với lĩnh vực này chiếm gần 45% tổng dư nợ của SHB Cần Thơ.
Trong khi đó, ông Lê Thu Đông, Giám đốc VietinBank Chi nhánh Hậu Giang chia sẻ, 8 tháng đầu năm nay dù tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ở mức thấp, nhưng VietinBank Hậu Giang vẫn đạt tăng trưởng tín dụng lên đến 18%, tương đương mức tăng 800 tỷ đồng. Riêng dư nợ cuối kỳ đối với lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản tại thời điểm 31/8 đạt gần 500 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với đầu năm.
Bà Phùng Thị Bình, Phó TGĐ Ngân hàng Agribank, cho biết 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank tại riêng khu vực ĐBSCL đạt 5,5%, cao hơn mức tăng trưởng của toàn hệ thống ngân hàng này. Doanh số cho vay đạt hơn 238 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tín dụng cho mặt hàng lúa gạo tăng 9,7%, về thuỷ sản tăng 7,1%. Tổng dư nợ cho vay lúa gạo vùng ĐBSCL đến 31/8 đạt hơn 27.000 tỷ đồng với 33.000 khách hàng. Trong đó chủ yếu là khách hàng cá nhân với 32.500 khách hàng, chiếm 48% tổng dư nợ cho vay lúa gạo của toàn hệ thống Agribank.
Trong khi đó, bà Bình cho biết dư nợ cho vay doanh nghiệp tại khu vực này mới chỉ đạt 32 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% tổng dư nợ cho vay trong khu vực.
Giải bài toán lãi suất và thời hạn vay cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra những nút thắt cần tháo gỡ với sự đồng hành của ngân hàng. Đại diện Công ty TNHH Lộc Vân (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, công ty đang vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 7,3%-9%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Mặc dù mức lãi suất này đã giảm so với đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn còn rất cao so với năm 2021 khi thời điểm đó công ty vay vốn với lãi suất chỉ từ 5,5%-6%/năm.
“Trong tình hình khó khăn hiện tại việc tiết giảm chi phí vay sẽ góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, đại diện công ty Lộc Vân nói, đồng thời kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ thêm lãi suất cho vay để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị linh hoạt cơ chế cho vay theo thời vụ phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo.
“Thực tế khi đề xuất ngân hàng tăng thêm vốn vay thì chưa được đáp ứng kịp thời, các khó khăn chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp ngoài bất động sản như hợp đồng kinh tế”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, trong năm 2023, doanh nghiệp này dự kiến chi đến 8.000 tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động SXKD. Trong khi đó, ước tính vùng ĐBSCL cần lượng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động SXKD lúa gạo.
“Với quy mô như vậy, Lộc Trời chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu vốn cho cả vùng. Số còn lại chắc chắn có những doanh nghiệp lớn khác đầu tư nhưng cũng không thể đáp ứng được hết. Do vậy người nông dân sẽ phải tự xoay sở, trong khi họ không có tài sản thế chấp, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn.”, ông Lê Thanh Hạo Nhiên nói.
Để gỡ được nút “thắt cổ chai” nói trên, ông Nhiên đề xuất ngành ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cho nông dân vay vốn trên cơ sở tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, có hợp đồng đầu ra. Đó là cơ sở để chứng minh rằng nông dân sẽ có nguồn tiền trả nợ cho ngân hàng.
Tương tự, CEO của Lộc Trời cho biết doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn khi có những đơn hàng lớn dẫn đến nhu cầu về vốn tăng đột biến. Trên cơ sở đó, ông đề xuất ngân hàng cấp thêm hạn mức tín dụng dựa trên cơ sở những đơn hàng lớn.
NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%); Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung… |