Tháng 11, tháng khiến trái tim của mỗi chúng ta khẽ rộn ràng khi nghĩ về mái trường cũ, về người thầy xưa. Ở dưới mái trường đó, có những câu chuyện vui cũng không ít câu chuyện khiến ta ngậm ngùi khi nhớ về. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài Trái tim người thầy - nơi chia sẻ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhưng chứa đầy tính nhân văn, tình người của những năm tháng học trò.

Độc giả có câu chuyện tương tự có thể gửi về Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Hy vọng mỗi câu chuyện nhỏ là một mảnh ghép tạo nên trái tim, tri ân những người đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen". Xin trân trọng cảm ơn. 

Năm 1986, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư Phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi được phân công về giảng dạy tại Trường PTCS Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa).

Đây là vùng rừng núi căn cứ cách mạng trước năm 1975, sau giải phóng, người dân lên đây khai phá lập nghiệp hay còn gọi là vùng kinh tế mới của huyện Diên Khánh lúc bấy giờ. Nơi “rừng thiêng nước độc” đa số người dân sống bằng nghề làm rẫy, vào rừng chặt củi về bán lấy tiền mua gạo ăn qua ngày.

Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng người dân nơi đây rất quý trọng, thương yêu thầy cô giáo khi thầy cô không quản khó khăn đi lên “chốn thâm sơn cùng cốc” này đem cái chữ, kiến thức đến cho con em họ.

z4894892820967-84fa7ee8bdaabe651aa13d81df976292-1.jpg
Thầy Nguyễn Văn Lực bên các học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi năm, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh, phụ huynh không có gì tặng thầy cô ngoài củ khoai, ký đường đen, con gà mới tập gáy… Không ít em còn tặng thầy cô những bông hoa dại trên đồi núi.

Việc tặng quà cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam của phụ huynh nơi đây là sự tự nguyện, không vì lấy lòng thầy cô hay suy nghĩ gì khác ngoài sự biết ơn “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”.  Ngày 20/11 năm đầu tiên đi dạy, tôi được phụ huynh em Nguyễn Văn H. (lớp trưởng 7C, tôi làm chủ nhiệm) ưu ái tặng thầy ký đường mật. Đây là loại đường được ép, nấu từ cây mía do gia đình phụ huynh tự tay làm, để trong thạo, lu. Phụ huynh lấy một ít để vào bị, đem biếu thầy.

Nhìn người phụ huynh lam lũ tặng món quà cho thầy giáo với tất cả lòng biết ơn, trái tim tôi trào lên niềm xúc động khó tả. Cảm động tấm lòng của học sinh, phụ huynh, tôi càng thêm quyết tâm ở lại dạy các em dù phải bị những cơn sốt rét rừng bào mòn tuổi trẻ, sức khỏe.

Sau bốn năm công tác ở miền núi, năm 1990, tôi được thuyên chuyển về miền đồng bằng. Tôi chia tay đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đi về xuôi nhưng lòng bao lưu luyến những tháng năm công tác. 

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử - GDCD, tôi luôn trăn trở làm sao để những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Yêu nước; Nhân nghĩa; Hiếu học; Tôn sư trọng đạo… được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mong muốn là vậy song thực tế cuộc sống hiện tại có quá nhiều tác động ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy trò, phụ huynh. Thật buồn khi phải nói không ít thầy cô vì thiếu kiềm chế, non nghiệp vụ sư phạm, yếu trong xử lý tình huống nên xúc phạm đến thân thể học sinh bằng những cái tát, cái véo, hình phạt, đòn roi… gây nên những bức xúc trong xã hội.

Ngược lại, cũng không ít phụ huynh không tìm hiểu nguyên nhân đã có những hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, xúc phạm đến tinh thần, danh dự thầy cô giáo như việc một phụ huynh bắt thầy hiệu trường quỳ xin lỗi. 

Tôn sư trọng đạo, có phải là tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20/11? Ngày nay, khi đời sống người dân ngày một nâng cao nhiều phụ huynh có điều kiện thường tặng thầy cô những món quà có giá trị về nội dung, phong phú về hình thức. Nhưng cũng không ít phụ huynh còn rất khó khó khăn không có đủ tiền để đóng học phí, mua sách vở… Và cũng không phải thầy cô nào cũng có quà 20/11. Thầy cô được tặng quà thì vui còn thầy cô không được tặng quà cũng chạnh lòng!

Theo nhiều giáo viên, để nhớ ơn thầy cô dạy con em mình, cuối năm học, phụ huynh nếu sắp xếp được chỉ cần đến thăm thầy cô hay chỉ cần nói lời cảm ơn, chúc mừng qua mạng xã hội, tin nhắn, một cuộc điện thoại... cũng đủ khiến họ ấm lòng. Nhiều Sở GD-ĐT có cả văn bản thông báo không nhận chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là vì vậy.

Chắc ai cũng biết câu chuyện thầy Chu Văn An - một nhà giáo nổi tiếng thời nhà Trần, vào ngày sinh nhật Thầy, các học trò đến mừng thọ. Phạm Sư Mạnh là học trò của thầy Chu - giữ chức Tể tướng, một quan chức to trong triều lúc bấy giờ. Khi đến nhà thầy Chu Văn An, ông đứng từ giữa sân vái vào nhà, miệng chào to kính cẩn: “Lạy thầy ạ, có anh em chúng con đến hầu thầy!”.

Hình ảnh đó mong sao các thế hệ học trò khắc ghi, noi theo để mỗi khi tháng 11 về, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn không phai nhạt theo thời gian là điều quý giá hơn bất cứ món quà nào.  

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)