- Tôi muốn kể lại đôi câu chuyện cũ, đặng làm sáng tỏ phần nào một điều là, đối với người lãnh đạo, việc tự học và tích luỹ vốn kiến thức, học từ thực tế, từ những người giỏi chuyên môn… để đảm đương tốt lĩnh vực quản lý là hết sức cần thiết.
Mới đây, tôi đọc được một bài viết trên Tuần Việt Nam, Đâu chỉ là ông Đinh La Thăng, có viết: “Cách nhìn người thiên về cảm tính, chuộng bề nổi theo lối phong trào sốc nổi nhất thời, “vui là chính”, khiến ngay khâu lựa chọn cán bộ đã sai lệch. Lối đào tạo, bố trí cán bộ không đúng năng lực, sở trường đã gây nên tình trạng nhiều trường hợp đặt sai chỗ, ngồi nhầm ghế”.
Lâu nay, chúng ta luôn nhận thức công tác tổ chức cán bộ là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với sự thịnh suy của đất nước. Tuy nhiên, giữa nói (lý luận) và thực tế vẫn có khoảng cách nhất định.
Ở ta, có những vị được bổ nhiệm, nhưng sau vài năm, họ không ghi được dấu ấn gì cho bộ/ngành nơi công tác. Rõ ràng ở đây có sự bất ổn trong công tác quy hoạch cán bộ, quản trị nhân lực. Hệ quả ra sao, có lẽ chúng ta cũng rõ qua những trường hợp bổ nhiệm “nhầm”.
Tuy nhiên, ngay cả khi “ngồi đúng ghế”, người lãnh đạo vẫn luôn phải nỗ lực tự nghiên cứu, học hỏi thêm rất nhiều để nắm bắt, hoàn thành tốt công việc chuyên môn mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng với sự kỳ vọng của nhân dân.
Tôi muốn kể lại đôi câu chuyện cũ mà tôi biết, đặng làm sáng tỏ phần nào một điều là, đối với người lãnh đạo, việc tự học và tích luỹ vốn kiến thức, học từ thực tế, từ những người giỏi chuyên môn… để đảm đương tốt lĩnh vực quản lý là hết sức cần thiết.
Ảnh minh họa |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vốn sinh trưởng trong một gia đình trung nông ở Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ, ông cũng có được học hành. Tuy nhiên, năm 14 tuổi, cha ông qua đời, gia đình đâm nghèo khó, ông đành bỏ dở học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình, rồi sau đó thoát ly theo cách mạng. Thế nhưng trong mọi công việc, từ lĩnh vực quân sự hay chính trị cho đến chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn... ông luôn là người có nhiều sáng tạo, tìm tòi. Một yếu tố giúp ông có được tầm nhìn như vậy là do ông chịu học và chịu nghe.
Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả những bài thơ nổi tiếng như Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông… kể rằng, tướng Nguyễn Chí Thanh có lần bênh vực ông trong buổi văn nghệ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông tổ chức theo yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong buổi trình diễn này, Hoàng Cầm đưa màn hát Quan họ ra biểu diễn. Khi lời bài hát đến câu "Yêu nhau cởi áo cho nhau... ", thì bị một người đứng lên la ó, phản ứng với ban tổ chức chương trình, "đả đảo tư tưởng đồi truỵ". Tướng Nguyễn Chí Thanh đã bước lên sân khấu bênh vực Hoàng Cầm, át đi những lời hô đả đảo này và đề nghị cứ tiếp tục trình diễn.
Khi tướng Thanh về làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thì cũng là giai đoạn đất nước đang có phong trào Nhân văn Giai phẩm. Một nhóm văn nghệ sĩ trong quân đội có tư tưởng muốn thoát ly khỏi sự ràng buộc nghiêm khắc của Cục Tuyên huấn Quân đội, đòi sinh hoạt nghiệp vụ văn nghệ thẳng với Hội văn nghệ bên ngoài.
Để lãnh đạo được giới văn nghệ sĩ có đến hàng trăm người trong lực lượng vũ trang, trong đó có một nhóm lại đang có tư tưởng như trên, ông yêu cầu nhà thơ Hoàng Cầm cắt cử người đến dạy ông nâng cao kiến thức về lĩnh vực văn nghệ, như hoạ sĩ Mai Văn Hiến thì đến giảng cho ông về hội hoạ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn giảng về âm nhạc, Văn Chung về múa, nhà thơ Thanh Tịnh về viết lách, văn thơ... Chính vì thế ông tự tích luỹ kiến thức rất am tường và sâu sắc.
Một câu chuyện khác là về Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khó, phức tạp, ông vô cùng bận và căng thẳng nhưng luôn ham đọc sách. Mặc dù biết triết gia, GS. Trần Đức Thảo là người từng tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm, nhưng ông vẫn lưu tâm và trân trọng cho người mời giáo sư đến nói chuyện triết học cho ông nghe.
Những vấn đề triết học mà GS Thảo nghiên cứu, ông nghe một cách rất chăm chú, để biết, để hiểu về một lĩnh vực rất trừu tượng và vô cùng khó. Tất cả cũng chỉ với mục đích giúp ông có thêm kiến thức cho nhiệm vụ lãnh đạo đất nước.
Tôi kể vài mẩu chuyện trên để thấy một điều, việc đưa quy chuẩn về tuyển chọn cán bộ của hệ thống chính trị, “đặt” đúng người vào đúng chỗ là điều kiện tiên quyết để đất nước có đội ngũ lãnh đạo giỏi. Song ngay cả khi được “đặt” đúng chỗ, đúng sở trường đi nữa, thì người lãnh đạo vẫn phải không ngừng phải học hỏi, trau rèn, để không lạc hậu trong quản lý, vì thực tiễn luôn luôn sống động, đổi thay từng ngày từng giờ.
Quốc Phong
Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ để tránh "ngồi nhầm ghế"
Chủ nhiệm UB Tư pháp vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.
Chuyện cán bộ cấp cao giàu nhờ bán chổi chít, nuôi lợn, nuôi gà
Câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là 2 nữ cán bộ cấp cao đã nhiều lần thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản, lạm dụng chức quyền ký các quyết định có lợi cho bản thân.
Tôi không tin ‘kỷ luật cán bộ rồi thì lấy ai làm việc’
"Theo tôi cần phải có hành động quyết liệt, phải làm mạnh, làm rộng trên cơ sở có thí điểm và làm đến nơi đến chốn, chứ không ngại không có người làm việc..."
Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương
Tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa, yêu cầu “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”. Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”, “ở các địa phương cũng vậy”.