Đó là hình ảnh in hằn trong trí nhớ của chị Vũ Thị Hà Phương (35 tuổi), Điều dưỡng trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Câu chuyện xảy ra ở toà nhà cũ của bệnh viện, cách đây gần 3 năm.
Bệnh nhi là một bé gái sơ sinh bị hội chứng Down, tim bẩm sinh và viêm phổi đang điều trị tại Khoa Sơ sinh. Người mẹ suy sụp khi cơn đau vượt cạn chưa qua lại đối mặt với tình trạng nặng nề của con gái.
Tối hôm đó, chị Phương là trưởng tua trực. Bé gái bất ngờ trở nặng vì cơn cao áp phổi. Ngay lập tức, ê-kíp trực tiến hành đặt nội khí quản.
Người cha vừa lên thăm con đã phải chứng kiến giây phút nguy hiểm. Sự hoang mang bủa vây. Mới hôm qua con thở khá rồi, sao nay lại trở nặng. Anh nhớ mang máng trước đó đã thấy cô điều dưỡng thao tác gì đó với con mình (thực tế là hút đờm cho bệnh nhi).
Càng chờ càng sốt ruột, người cha không biết bên trong phòng thủ thuật, người ta làm gì với con mình. Anh nghi ngờ cô điều dưỡng là nguyên nhân khiến con trở nặng. Trong cơn bấn loạn, mọi bức xúc vỡ òa.
“Nó bước ra đây tôi giết nó ngay. Anh ấy thét lên và doạ giết điều dưỡng đã hút đờm cho con gái mình”, chị Phương nhớ lại. Kinh nghiệm hơn 10 năm khiến chị hiểu tâm lý của người cha: từ sự bất an, anh nghi ngờ mọi thứ. Ngay lập tức, chị tách nữ điều dưỡng ra khỏi ca trực và đưa một nhân viên khác vào thay thế. Ca trực đã neo người nay càng khó khăn hơn. Một mặt, chị Phương trấn tĩnh gia đình, một mặt sắp xếp để các bệnh nhi khác không bị ảnh hưởng.
Bên trong phòng thủ thuật, bác sĩ và điều dưỡng gấp rút đặt nội khí quản giúp bé sơ sinh thở. Họ không để không khí bên ngoài ảnh hưởng đến bất kỳ thao tác nào. Thời gian nặng nề trôi qua. Tiếng ồn và lời lẽ bức xúc của người cha vẫn còn đó.
Sau khi bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chị Phương mời bác sĩ gặp trực tiếp người cha để giải thích tình trạng bệnh, những kỹ thuật vừa thực hiện và hướng điều trị những ngày tới. Tâm trạng của gia đình dịu lại nhưng nữ điều dưỡng bị doạ giết trải qua một đêm trằn trọc và hoảng sợ.
“Khó ai có thể ngờ, sau này, người cha đó lại trở nên thân thiết và thấu hiểu chúng tôi”, chị Phương tâm sự.
Bé gái phải nằm viện suốt 6 tháng. Ông bà, người mẹ dần tuyệt vọng vì bệnh tình không biến chuyển. Trong phòng cấp cứu, bé thiêm thiếp không tỉnh như trong "giấc ngủ đông".
Khi tình hình khá hơn, bác sĩ tập cho trẻ thở áp lực dương liên tục qua nội khí quản để cai bóng thở. Đó là chiến thắng của một em bé sơ sinh vừa bị Down, viêm phổi, tim bẩm sinh. Vậy mà niềm vui chỉ kéo dài vài ngày, cô bé lại suy hô hấp, trồi sụt liên tục.
Ánh mắt mệt mỏi, tiều tụy của người cha bên giường bệnh khiến y bác sĩ mủi lòng. “Người cha hỏi tôi, sao con tôi lại thế hả cô? Tôi không biết câu trả lời nào là đúng. Tôi chỉ nói nếu anh không từ bỏ, chúng tôi sẽ sát cánh cùng gia đình, con sẽ tạo nên kỳ tích”, chị Phương tâm sự.
Nhưng ngay sau đó, chị rối bời vì không biết lời khuyên này có hồ đồ không vì trẻ bị quá nặng. Buổi tối, nhìn những đứa trẻ trong phòng cấp cứu, chị biết mình sẽ không buông tay.
“Ai cũng nghĩ con sẽ không qua khỏi. 6 tháng trời trôi qua với không biết bao lần vật lộn để giành giật hy vọng sống. Gia đình bé lập lễ cầu nguyện ở nhà, tìm một điểm tựa cầu xin sự an lành và bảo bọc cho cô con gái nhỏ. Bản thân chúng tôi cũng luôn cầu mong điều bình an cho con”, chị nói.
Thế rồi, không phụ công sức của y bác sĩ, bé bắt đầu hồi phục. Bé đòi bú, lên cân dần nhưng vẫn chưa biết tự thở. Nhiều cuộc hội chẩn diễn ra để tìm hướng đi phù hợp nhất: chuyển bé về bệnh viện quận gần nhà để duy trì thở máy. Đó cũng là cách giảm áp lực cho gia đình. Lắng nghe tư vấn của bác sĩ, người cha trầm lặng, đồng ý.
“Anh gặp tôi để chào và gửi lời cảm ơn các cô, các bác đã vất vả với con gái hơn nửa năm qua. Ngày con chuyển viện, hai cô điều dưỡng và bác sĩ đồng hành để đảm bảo an toàn nhất. Anh tin con sẽ tạo nên kỳ tích.
Một thời gian sau, con xuất viện. Người cha gửi cho tôi bức hình em bé với nụ cười vô tư, rạng rỡ có tên là Thiên Ý. Sắp tới đây, cô bé 3 tuổi sẽ tiếp tục được xử trí lỗ thông ở tim và chắc hẳn, con sẽ không đầu hàng", chị Phương chia sẻ.