Các nguồn tin địa phương Trung Quốc cũng cho hay, tính năng dịch thuật tích hợp trên trình duyệt Chrome đã bị tắt đối với người dùng tại Đại lục.

Google lý giải động thái này được đưa ra là do “lượng người sử dụng thấp”. Tuy nhiên, theo thống kê, ứng dụng Google Translate lại đang có lượng người dùng cơ sở tương đối lớn. Vào tháng 8, dữ liệu từ nền tảng phân tích web Similarweb cho thấy website Google Translate ghi nhận 53,5 triệu lượt truy cập từ người dùng máy tính để bàn và thiết bị di động.

(Ảnh: SCMP)

Bởi vậy, động thái này được cho là phản ánh lịch sử quan hệ phức tạp giữa gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ và chính phủ Trung Quốc hơn là lý do chuyên môn.

Trước đó, Google tuyên bố rút khỏi Trung Quốc kể từ tháng 1/2010 với lý do bị tấn công mạng có chủ đích xuất phát từ nước này cũng như tranh cãi liên quan việc thắt chặt phát ngôn trực tuyến. Bắc Kinh cũng đã chặn các dịch vụ của Google tại Đại lục. Nhưng đến tháng 3/2017, Google Translate âm thầm xuất hiện trở lại tại Đại lục.

Trên mạng xã hội, người dùng Trung Quốc đang “kêu trời” do không còn có thể sử dụng dịch thuật của Mỹ.

“Bạn không thể dùng cái này hay cái khác trong khi phải đọc tài liệu nước ngoài hàng ngày”, một người dùng trên website hỏi – đáp Zhihu cho biết. “Giờ tôi không biết phải làm thế nào”.

Google từng thực hiện một số nỗ lực khôi phục sự hiện diện tại Đại lục, chẳng hạn như dịch vụ cho các nhà phát triển, hỗ trợ công ty Trung Quốc quảng cáo trực tuyến ở nước ngoài và ứng dụng quản lý lưu trữ Files Go.

Tháng trước, gã khổng lồ tìm kiếm đã đầu tư 550 triệu USD vào một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là JD.com.

Vào tháng 12/2021, CEO Google Sundar Pichai khẳng định với một hội đồng tại Quốc hội rằng công ty “không có kế hoạch” phát hành lại công cụ tìm kiếm tại thị trường tỷ dân châu Á dù họ vẫn đang nghiên cứu về ý tưởng này.

Khẳng định trên đã dập tắt suy đoán rằng Google có thể sẽ tung ra một phiên bản công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt một số nội dung mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm.

Thế Vinh (Theo SCMP)