- Dân giàu thì nước mạnh. Đất nước có nhiều người giàu góp phần làm cho đất nước mạnh lên. Người giàu được tôn trọng, tôn vinh, là biểu tượng vươn tới của cả cộng đồng.
Người giàu được tôn trọng, tôn vinh, là biểu tượng vươn tới của cả cộng đồng. Ảnh minh họa: tienphong |
Người giàu không thể không nhớ ba chữ: Giàu trách nhiệm.
Người giàu phải biết khóc, mà phải biết khóc nhiều hơn.
Người giàu cũng tốt
Tôi có mấy người cháu, tuổi lứa 7x, 8x, từng có việc làm, lương tằn tiện chỉ đủ nuôi thân, nói gì đến nhà cửa, vợ con, bố mẹ. Chúng bỏ việc, tìm đường khởi nghiệp bằng đủ nghề. Sau đôi ba năm, nhìn lại, cũng tạm ổn. Từng đứa nuôi được bản thân, giúp được vợ con, hỗ trợ bố mẹ. Mỗi “cơ sở nhỏ con con”, theo cách nói của chúng, đã tạo việc làm cho trên dưới 5 lao động, là sinh viên hoặc thanh niên chưa có việc làm. Chúng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ, làm quen với những khái niệm thị trường, các mối quan hệ chính thức và không chính thức.
Tuy chưa phải là người giàu, nhưng chúng đã thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chưa đủ đầy nhưng cũng là được. Suy rộng ra, những doanh nhân thành đạt trở nên giàu có gấp ngàn gấp vạn so với chúng - những ông chủ của những “cơ sở nhỏ con con”- trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đất nước chắc chắn sẽ đủ đầy hơn.
Người giàu cũng tốt. Rõ là như thế. Họ lao động, khơi nguồn sáng tạo, khai thác tài nguyên, tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất và dẫn dắt xã hội, không chỉ về kinh tế. Họ tạo hứng khởi cho cộng đồng đua tranh, đan dệt diện mạo sinh khí quốc gia. Họ kích thích tiêu dùng, các loại dịch vụ cao cấp và thấp cấp, từ đấy gợi mở thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp, cung cấp tiện ích cho xã hội, đáp ứng thêm nhu cầu chỗ làm. Họ đóng góp không chỉ bằng nguồn thuế, mà cả những khoản vật chất khác cho đất nước, cộng đồng, hữu hình và vô hình.
Thêm nữa, thế giới biết đến một quốc gia, có phần nể trọng quốc gia đó, một phần nhìn vào những người giàu. Nhìn cách làm giàu, lối ứng xử, quy mô, tầm vóc doanh nhân, người ta hiểu thêm về nền tảng văn hoá, chiều sâu tư tưởng và chiều hướng phát triển của quốc gia đó. Người giàu, trong những tình huống cụ thể, có thể xoay chuyển tình thế quốc gia, tráo đổi vận thế thịnh/suy, nguy/an.
Dân giàu thì nước mạnh. Đất nước có nhiều người giàu góp phần làm cho đất nước mạnh lên. Người giàu được tôn trọng, tôn vinh, là biểu tượng vươn tới của cả cộng đồng.
Như thế người giàu đâu phải xấu!
Thế nhưng do đâu người nghèo vốn chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội, lẽ thường phải mang ơn người giàu, lại thường có tâm lý ghét người giàu, thậm chí là thù nghịch? Ở Việt Nam, biểu hiện tâm lý này càng khá rõ.
Người nghèo ghét người giàu
Điều gì khiến người nghèo ghét người giàu?
Nền kinh tế tiểu nông, lối sản xuất nhỏ chủ yếu tự cung tự cấp vốn bám rễ lâu đời trong đời sống xã hội, khiến con người nhiễm thói ích kỷ, không muốn người khác hơn mình, thấy người giàu hơn mình thì đỏ mắt, ghanh ghét, đố kỵ. Một giai đoạn dài đất nước chiến tranh, sống trong nền kinh tế bao cấp, tuy khó khăn, nghèo đói nhưng khá minh bạch, công bằng, trong cùng môi trường hầu như ai cũng như ai. Đất nước hòa bình, một bộ phận doanh nhân, quan chức giàu nhanh, giàu một cách khó hiểu, khiến công chúng nghi ngờ, bất bình.
Đó là một nguyên nhân.
Quy luật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” chi phối các mối quan hệ xã hội. Người giàu thực sự là một thế lực. Cũng như cơn khát quyền lực, cơn khát tiền bạc trong họ là không có điểm dừng. Khi người giàu bắt tay, câu kết với quyền lực sẽ thành siêu quyền lực, có thể khuynh loát mọi luật lệ, thay đổi mọi hệ giá trị. Người nghèo gánh chịu nhiều hậu quả, hệ luỵ từ những phi vụ “bắt tay” này, càng trở nên yếu thế và yếm thế, càng có cái nhìn thiếu thiện cảm và nuôi mầm thù hận với người giàu.
Nguồn tài nguyên “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” là của quốc gia, thuộc về toàn dân. Nhưng trong thực tế hầu hết nằm trong tay các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn. Bằng nhiều cách, các “ông lớn” thâu tóm tài nguyên, đất đai, xáo trộn không gian sinh tồn, thu hẹp nguồn sống và cơ hội phát triển của một bộ phận lớn cộng đồng, đồng nghĩa với gia tăng cách biệt giàu nghèo, tích góp mối mâu thuẫn và hiềm khích.
Chủ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tạo cơ hội cho hàng ngàn hàng vạn người có công ăn việc làm, nhưng cũng sẵn sàng đào thải người lao động khiến họ lâm vào tình trạng không việc làm, vô gia cư, gia tăng tệ nạn xã hội. Họ kích thích giấc mơ sáng tạo, khởi nghiệp, nhưng từ quan niệm thương trường là chiến trường, họ làm thui chột bao ước vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong cộng đồng...
Trong quá trình phát triển, làm giàu, các nhà đầu tư sẵn sàng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp những khuyến cáo về tác động xấu đến môi trường. Vì lợi nhuận, họ lạnh lùng, mạnh tay tàn phá, huỷ hoại thiên nhiên, môi trường, gieo mầm hoạ. Không ai khác, chính người nghèo gánh chịu những hậu quả từ thảm hoạ thiên tai thê lương và nặng nề nhất.
Hơn ai hết, người giàu, các đại gia cũng là đối tượng sử dụng hơn gấp nhiều lần dịch vụ, nhà cửa, phương tiện, thiết bị, đồng nghĩa với việc tăng lượng phát thải khí CO2, đẩy nhanh quá trình hiệu ứng nhà kính, tác động xấu, làm rối loạn quy luật tự nhiên.
Thêm một nguyên nhân nữa. Suốt mấy thập kỷ qua, chúng ta tuyên truyền sâu rộng về bản chất của chế độ quan hệ người bóc lột người cơ bản là xấu xa, tàn bạo, đầy máu và nước mắt, khiến người ta có cái nhìn định kiến về tầng lớp người giàu. Trong những thời điểm, giai đoạn cụ thể, chúng ta thực hiện những chủ trương, chính sách thiếu nhất quán, cực đoan, vô tình hay cố ý đánh vào người giàu, tầng lớp giàu có, khiến xã hội càng khắc sâu định kiến, rằng địa chủ, tư sản là phản động, xấu xa, đáng ghét, là lực cản, ngáng trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xã hội mang tâm lý kỳ thị người giàu bắt nguồn từ những lý do này chăng?
Một xã hội phát triển hài hoà và người giàu phải biết khóc
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Từ thiện phát triển Oxfam, hiện 42 tỷ phú hàng đầu thế giới nắm giữ số tài sản tương đương của 3,7 tỷ người nghèo nhất. Trong 12 tháng qua, mỗi ngày có thêm 2 tỷ phú, trong khi 50% dân số thế giới nghèo nhất không hề gia tăng tài sản.
Ở Việt Nam, ước tính có 9.000 người là triệu phú, nắm giữ 358 tỉ USD...
Xã hội phát triển là từ đây, nhưng nguy cơ xung đột, bất hoà cũng từ đây.
Trong cuốn sách “Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường” (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2018), tác giả Jeffrey A. Krames dẫn lời Giáo hoàng Francis I, khi đề cập tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ông yêu cầu: “Những người giàu nhất phải cho đi nhiều hơn”. Đức Giáo hoàng đưa ra một nhận xét: “Tại sao một người già cả vô gia cư chết đi thì chẳng ai bận tâm, nhưng thị trường chứng khoán mất đi hai điểm thì lại là tin tức thời sự cơ chứ”, và khuyến cáo: “Ngày nay chúng ta phải nói không với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi”.
“Những người giàu phải cho đi nhiều hơn” và “nói không với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi”?
Không phải “cho”, mà là trả nợ, bù lại những gì mà người giàu đã lấy từ thiên nhiên, và có được từ trái đất này, từ thế giới người nghèo.
“Nói không với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi”, chưa đủ, cần thiết lập một nền kinh tế, mà trong đó đề cao tính minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, mọi người đều có cơ hội như nhau; của cải, tài sản làm ra để phục vụ con người chứ không phải chi phối con người. Những “cơ sở nhỏ con con” sử dụng trên dưới 5 lao động cũng có cơ hội như những “ông lớn” - tập đoàn kinh tế hàng ngàn, hàng vạn nhân viên.
Trong suốt thời gian dài, chúng ta nói nhiều về mặt trái của nền kinh tế hình thành từ các mối quan hệ trong bóng tối, những doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích và chủ nghĩa thân hữu; về xu hướng thiên về khai thác tài nguyên, thâu tóm đất đai và kinh doanh địa ốc. Một nền kinh tế như thế sẽ đi vào ngõ hẹp, không phải của tương lai. Thế giới có thể biết đến Việt Nam có người rất giàu, nhiều người giàu nhanh, nhưng khó mà nhận diện giá trị khác biệt, hơn hẳn từ nền kinh tế và người giàu Việt Nam. Vì vậy, “nói không với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi”, chưa đủ, những nhà lãnh đạo cần một tầm nhìn xa hơn nhưng thực tế hơn, hướng tới một nền kinh tế phồn vinh nhờ vào trí tuệ, sáng tạo vốn vô hạn, không lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn và mang tính hai mặt.
Ở Việt Nam, một quốc gia chưa giàu, nhưng đang có xu hướng nhiều người giàu nhanh, giàu ngầm, giàu bất ngờ, thì người giàu không những phải biết khóc, mà phải biết khóc nhiều hơn.
Khi đã có hơn 30 năm sống trong không gian đổi mới, hội nhập, nhưng những “ông lớn” trong hàng ngũ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, chưa sản xuất, chế tạo ra nhiều những hàng hoá, sản phẩm trí tuệ tiêu biểu, để dẫn dắt, làm chủ cuộc chơi...
Khi mục tiêu đáp ứng như cầu việc làm, giáo dục và y tế còn nhiều khoảng trống, bất cập và bất công...
Khi còn những cộng đồng nơi nông thôn hay thành phố vướng vào dự án “vì người giàu” bỗng dưng mất không gian sinh tồn, ngơ ngác, xa lạ trước đời sống hiện đại...
Khi người nghèo ở những vùng phên giậu, hiểm yếu còn thường xuyên đối mặt với thảm hoạ thiên tai chưa từng có, bất ngờ, từ trên trời, từ lòng đất, từ biển, từ sông, từ rừng...
Mới đây thôi, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018 này, nhiều thôn bản ở Tương Dương (Nghệ An), Quan Sơn (Thanh Hoá) mất ruộng vườn, nhà cửa, trở nên trắng tay khi hàng loạt thuỷ điện xả lũ “đúng quy trình”...
Điệp khúc “đúng quy trình” lạnh lùng tiếp diễn, đồng nghĩa với sự nổi giận lan tỏa, đỉnh điểm, đổ vỡ, cũng “đúng quy trình” của quy luật xã hội.
Người giàu không thể không nhớ ba chữ: Giàu trách nhiệm.
Người giàu phải biết khóc, mà phải biết khóc nhiều hơn.
Uông Ngọc Dậu
Xả lũ 'đúng quy trình' và chuyện kêu bò là… trâu
Dư luận thường có xu hướng “quy” tội cho thủy điện, cho tình trạng chặt phá rừng- điều đó không sai nhưng có lẽ nói thế là chưa đủ, chưa điểm đúng “huyệt”.
Tập thể quyết định, sao bắt tôi chịu trách nhiệm?
Thực tế có quá nhiều lý do khiến việc xử lý người đứng đầu khi để ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình xảy ra tham nhũng không hề đơn giản.
Từ lá đơn “kể tội”Carina bàn về trách nhiệm đền dân sau cháy
Khi nước mắt và sự tiếc thương đã qua đi thì đây là lúc để tỉnh táo để quy kết trách nhiệm cho những ai có lỗi, cốt là để một thảm kịch tương tự không bao giờ xảy ra.
"Thiếu trách nhiệm một chút thì “con voi chui lọt lỗ kim”
Trong luân chuyển cán bộ, ai ở khâu nào phải chịu trách nhiệm về khâu đó. Nếu mỗi nơi thiếu trách nhiệm một chút thì "con voi chui lọt lỗ kim", PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng chia sẻ.
Đồng hồ- thời gian- tiền bạc và trách nhiệm
Văn minh và sự phát triển của thành phố đâu chờ sự...đủng đỉnh?
Nhận trách nhiệm vụ Formosa không bằng tự chỉ ra khuyết điểm
GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận như vậy về việc nguyên Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận trách nhiệm trong vụ Formosa với Góc nhìn thẳng.
Lời xin lỗi không thể thay trách nhiệm pháp lý của cán bộ
Lời xin lỗi không thể thay thế trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức có hành vi sai phạm, hai loại trách nhiệm này phải được làm rạch ròi.
Không được phép tạo làn khói mù mờ về trách nhiệm
Khói lửa chiến tranh không thể được phép tạo nên làn khói mù mờ về trách nhiệm. Những thủ phạm gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhất định phải bị trừng phạt, bất kể họ là ai.