Lời xin lỗi không thể thay thế trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức có hành vi sai phạm, hai loại trách nhiệm này phải được làm rạch ròi, quyết liệt.

>>Đại tá Nguyễn Văn Quý xin lỗi chủ quán Xin Chào >>Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam

Ngày 26/4/2016 có ít nhất hai lời xin lỗi của giới chức trách đối với công dân bị truy tố oan. Đầu tiên là từ VKSND và Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai vì đã tạm giam, truy tố sai quy định chủ đầm tôm Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Thứ hai là lời xin tha thứ của trưởng Công an Huyện Bình Chánh, TP.HCM đối với anh chủ quán “Xin chào” và người chủ chòi vịt.

Hai lời xin lỗi, một công thức

So sánh hai sự kiện trên có thể nhận thấy nhiều điểm chung. Cả hai lời xin lỗi đều bắt nguồn từ việc truy tố oan công dân. Nguyên nhân chung là do những người thừa hành pháp luật thiếu trách nhiệm và sai phạm trong quá trình thực thi công vụ. Cả hai vụ việc đều do báo chí phanh phui và phải có sự chỉ đạo từ người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất – Thủ tướng Chính phủ.

Đây cũng là điểm chung của hầu hết các vụ oan sai thời gian qua. Dường như quá hiếm hoi việc các cơ quan thừa hành pháp luật tự xét lại hành vi và tự nhận mình sai phạm. Phải đến khi báo chí vào cuộc và dư luận bức xúc cùng với sự chỉ đạo từ các cơ quan, lãnh đạo cấp cao, hồ sơ vụ án mới được lật lại và làm rõ.

Hệ lụy có thể là khi cảm thấy bị oan, người dân chỉ nghĩ đến cậy nhờ báo chí. Mặc dù báo chí đã và đang đóng một vai trò lớn trong hành trình tìm lại công lý cho nhiều người, nhưng thực trạng vừa nêu rất đáng ngẫm. Những lá đơn khiếu nại, kêu oan không có lời đáp hoặc nhận lại cái lắc đầu không thỏa đáng sẽ khiến người dân dần vơi cạn niềm tin công lý vào cơ quan công quyền.

{keywords}

Quán Xin chào tâm điểm của dư luận trong thời gian qua. Ảnh: Đàm Đệ

Dân khổ khi công chức mơ hồ về luật pháp

Khi nói lời xin lỗi, hai vị lãnh đạo của hai cơ quan có hành vi sai phạm đều đề cập đến một yếu tố được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Chí Hà, Phó viện trưởng VKSND Nhơn Trạch nói: “Chúng tôi thấy rằng nhận thức và am hiểu pháp luật chưa đảm bảo nên đã xảy ra sai sót nghiêm trọng này”. Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, đại tá Nguyễn Văn Quý, trưởng Công an H.Bình Chánh, TP.HCM cũng trần tình: “Trước hết, tôi phải thừa nhận tôi và cấp dưới đã có những sai sót trong nhận thức pháp luật, đánh giá sai căn cứ để xử lý vụ việc này.”

Tình trạng mơ hồ, hạn chế trong nhận thức về luật pháp và yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của nhiều cán bộ Nhà nước sẽ làm dấy lên trong người dân nỗi lo sợ thân phận bấp bênh, phụ thuộc vào “cảm hứng” của cán bộ thừa hành.

Số phận và sự tự do của người dân không thể mang ra làm trải nghiệm cho quá trình nhận thức và trưởng thành của cán bộ. Người dân cũng không thể chấp nhận đóng thuế nuôi những cán bộ không đủ trình độ nhưng lại “ngồi nhầm” chỗ, gây hậu quả nghiêm trọng.  

{keywords}

Bà Ánh Ngọc “thấy nhục vì được xin lỗi mà bị xử phạt". Ảnh: Hà Mi/ Tuổi trẻ online

Dân đâu có nhiều lỗi để mà… xin

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã không chấp nhận, thậm chí cảm thấy nhục[1] với cách xin lỗi của VKSND Nhơn Trạch. Thật khó chấp nhận khi buổi lễ xin lỗi lại kèm theo việc tống đạt quyết định xử phạt hành chính… người được xin lỗi.

Trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, lời xin lỗi giống như một cách để nhà chức trách nhận trách nhiệm trước những sai phạm và cam kết khắc phục, sửa đổi lỗi lầm. Bởi vậy, nó chỉ có giá trị khi xuất phát từ sự tự nguyện, chân thành. Ngược lại, nó sẽ trở nên hình thức, vô nghĩa, thậm chí thành cái cớ để người có lỗi tiếp tục sai phạm,vì xin lỗi là xong, mọi chuyện quá dễ dàng.

Cần phải phân biệt rõ giữa trách nhiệm pháp lý và yêu cầu về quy tắc ứng xử với người dân. Tổ chức xin lỗi dân là một trong những chuẩn mực về ứng xử, với ý nghĩa để người dân nhận thức được quyền của mình, cũng như làm hài hòa xung đột giữa người dân và nhà nước.

Tuy nhiên, lời xin lỗi không thể thay thế được trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức có hành vi sai phạm, hai loại trách nhiệm này phải được làm rạch ròi, quyết liệt.

Cần có quy định rõ những trường hợp cán bộ thừa hành phải xin lỗi người dân, và trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc một năm mà có trên 2 lần xin lỗi thì bị kỷ luật hoặc chuyển công tác. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo đơn vị, tránh trường hợp cấp dưới làm cấp trên bảo không hay không biết, rồi chuyện đâu lại vào đấy.

Lưu Minh Sang

>> XEM THÊM

Quán Xin chào và chuyện “đẩy thuyền cũng là dân”

Vì sao vụ việc đơn giản bỗng nhiên bị "hình sự hóa"

‘Dân cứ yên tâm ăn cá’ và sự im lặng của cán bộ

Huỳnh Văn Nén và cái giá của oan sai

Tù oan 900 ngày, được xin lỗi 5 phút

 
[1] Bà Ánh Ngọc: "Tôi thấy nhục vì được xin lỗi mà bị xử phạt", Tuổi trẻ, 26/04/2016.