Ngày 16/7, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự tổ chức hội thảo khoa học Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức nửa thế kỷ nhìn lại.

Cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Nam mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. 

chien dich.jpg
Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào chi khu Thượng Đức (Quảng Nam), năm 1974. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, thắng lợi của chiến dịch đã góp phần làm phá sản “Kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam.

Từ Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức, ta hiểu rõ về đối tượng tác chiến, phản ứng của quân đội Sài Gòn, đánh giá sâu sắc và cụ thể so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đặc biệt là khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ… 

W-IMG_9115.JPG.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu khai mạc hội thảo.

Là người trực tiếp chỉ huy, chiến đấu trong chiến dịch, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể lại, thời điểm đó đề phòng Thượng Đức bị tấn công, địch bố trí trận địa hỏa lực, trận địa pháo tầm xa, pháo cơ động với 60 lần máy bay từ Đà Nẵng lên chi viện.

Về lực lượng, địch có thể huy động từ 9 đến 10 tiểu đoàn bộ binh. Hỏa lực và lực lượng đồn trú sẵn sàng chi viện ứng cứu mạnh. Hệ thống công sự và chướng ngại vật kiên cố vẫn chưa làm kẻ địch yên tâm, chúng còn dồn trên 13.000 dân các xã lân cận vào ở xung quanh căn cứ, tạo thành “lá chắn sống” và dễ bề kìm kẹp.

Với một thế trận vững chắc, hiểm yếu và thường xuyên được củng cố, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đặt cho Thượng Đức cái tên “mắt ngọc của đầu rồng”. Tỉnh trưởng Quảng Nam gọi Thượng Đức là “cánh cửa thép”, “con mắt thần” của Đà Nẵng. Phía địch còn thách thức “Khi nào nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Thượng Đức”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2. Sau 1,5 tháng chuẩn bị, đêm 28/7, lợi dụng ánh sáng sao trời, bộ đội khẩn trương, bí mật vào vị trí xuất phát tiến công.  

W-IMG_9169.JPG.jpg
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đúng 5h sáng 29/7/1974, lệnh nổ súng được phát ra, hai phát pháo hiệu xanh vút lên từ Sở Chỉ huy chiến dịch. Tín hiệu “bão táp” được truyền đi các hướng. Lập tức pháo binh ta nã đạn cấp tập vào cụm căn cứ Thượng Đức. Căn cứ địch đang lúc “ngái ngủ” bỗng choàng dậy, vỡ ra, ngập chìm trong khói lửa và tiếng đạn pháo.

Ông Rinh cho biết, qua 10 ngày chiến đấu, dẫu phải vượt lên bao khó khăn ác liệt, chịu nhiều tổn thất - đặc biệt trên hướng chính chiến dịch, đợt tiến công mở đầu đánh chiếm Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức kết thúc thắng lợi. Quân ta đã san bằng Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức và toàn bộ các vị trí của địch ở xung quanh; diệt và bắt trên 1.600 tên địch, bắn rơi 13 máy bay; thu nhiều trang bị vũ khí; giải phóng quận lỵ Thượng Đức và 4 xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Lộc Quang với hơn 13.000 dân.

Đại tá Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, trải qua gần 40 ngày, đêm chiến đấu kiên cường và dũng cảm, lực lượng tham gia chiến dịch đã giành quyền làm chủ các cứ điểm, chi khu quân sự Nông Sơn - Trung Phước, Dương Côi, Văn Chỉ, Kỳ Vĩ, Khương Quế, Gò Nhừ, Việt An, Chóp Chài, Thượng.. sau đó đánh bại các đợt phản kích của địch.

"Nông Sơn - Thượng Đức, cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng bị Quân Giải phóng đập tan. Ngày 25/8/1974, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định kết thúc chiến dịch tiến công, chuyển sang làm nhiệm vụ thường xuyên đánh địch giải tỏa, lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần giữ vững Thượng Đức mà còn tạo thế mới uy hiếp trực tiếp Đà Nẵng từ phía tây nam", Đại tá Lê Thanh Bài nhấn mạnh. 

Đánh giá ý nghĩa của chiến dịch, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

W-IMG_9127.JPG.jpg
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Đây còn là một trong những cơ sở thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá. Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đúc kết, đó là bài học về đánh giá, dự báo đúng tình hình, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Ngoài ra còn là bài học về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.