Doanh nghiệp nhà Cường đôla ghi nhận lợi nhuận tốt chưa từng có kể từ khi lên sàn. Còn ROS của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lập lỷ lục 22 phiên tăng liên tiếp. Hàng loạt đại gia chứng kiến doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng bằng lần trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đây là cơ hội để nhiều cổ phiếu tăng vọt, túi tiền đại gia phình to.
Nghịch cảnh cổ phiếu Việt
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 với lợi nhuận đạt hơn 12 tỷ đồng, trái ngược với cú lỗ 21 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai lãi trước thuế 490 tỷ đồng, tăng cả chục lần.
Đây là kết quả tốt chưa từng có của Quốc Cường Gia Lai kể từ khi doanh nghiệp của mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan (chủ tịch QCG) lên sàn năm 2010. Đây có lẽ cũng là năm mà ông Nguyễn Quốc Cường (con bà Loan) đón nhận nhiều tin vui nhất.
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả lợi nhuận ấn tượng, cổ phiếu QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường bất ngờ tụt giảm sâu. Hàng trăm ngàn cổ phiếu không có người mua ngay kể cả khi đã đón nhận thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bởi, hàng ngàn nhà đầu tư đánh cược vào cổ phiếu nhà Cường đôla đã nhận kết quả thất vọng tràn trề. Chỉ trong 2 phiên cuối tháng 10, QCG giảm gần 14%. Còn tính trong 2 tuần cuối tháng, cổ phiếu này đã giảm khoảng 25%.
Cổ phiếu QCG giảm giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục lập kỷ lục mới và nằm trong top 10 thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới. VN-Index đang tiệm cận ngưỡng 850 điểm - mức cao nhất trong 10 năm qua.
Cổ phiếu KDC của CTCK Tập đoàn Kido của anh em nhà ông Trần Kim Thành cũng rơi vào tình trạng gần tương tự khi gần đây liên tục giảm, cho dù doanh nghiệp này vừa công bố lợi nhuận 9 tháng đạt 535 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.
Trong 3 tháng qua, cổ phiếu KDC đã giảm khoảng 20% bất chấp DN này có những bước chuyển đổi ấn tượng sau cú bán mảng bánh kẹo thu về hàng ngàn tỷ đồng. Mảng dầu ăn và kem tăng trưởng ấn tương khiến doanh thu thuần quý 3 của KDC tăng 4,6 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần đạt gần 5,1 ngàn tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu đầu ngành dù đã tăng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng. Nhiều mã được đánh giá có giá/thu nhập 1 cổ phiếu (P/E) lên tới 30-40 lần, cao hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành trong khu vực nhưng giá vẫn tăng.
Chẳng hạn, cổ phiếu ROS của Xây dựng Faros của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận phiên tăng thứ 22 liên tiếp với hàng loạt phiên tăng trần, từ 100.000 đồng lên hơn 200.000 đồng trong vòng 1 tháng qua, bất chấp P/E lên tới hơn 220 lần.
Mai phục cổ phiếu tiềm năng
Với QCG, sự tụt giảm giá cổ phiếu được giải thích do cuối quý 2, cổ phiếu này đã tăng mạnh và giới đầu tư lo ngại về cổ phiếu nhà ông Cường Đôla do doanh thu tụt giảm. QCG đã bán đi các dự án và khoản đầu lớn nhất và triển vọng nhất. Trong khi đó, tính minh bạch và chính xác về QCG là điều nhiều người lo ngại.
Nhưng với KDC và nhiều cổ phiếu khác, sự suy giảm giá ngược dòng với xu thế chung trên thị trường và ngược với tình hình kinh doanh của DN là điều nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Cổ phiếu CCM của CTCP Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ hiện vẫn xoay quanh ngưỡng 40 ngàn đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức gần 50 ngàn đồng cách đây khoảng 1 tháng bất chấp DN này vừa thông báo lợi nhuận sau thuế quý 3 cao hơn tới 8,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng cao gấp khoảng 4 lần so với cùng kỳ.
Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu - Hodeco (HDC) có giá vẫn loanh quanh ngưỡng 17,5 ngàn đồng cho dù DN báo lãi sau thuế quý 3 tăng gần 5 lần cùng kỳ. GTNfoods (GTN) - đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu - chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng vọt cả chục lần nhưng giá cổ phiếu vẫn quanh quẩn ngưỡng 16,5 đồng trong cả tháng qua.
Nhiều DN khác chứng kiến lợi nhuận tăng bằng lần nhưng cổ phiếu vẫn lình xình, thậm chí giảm như: Đạm Cà Mau (DCM), Xây dựng số 5 (SC5), Cao su Đồng Phú (DPR),...
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng, TTCK thời gian gần đây chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các cổ phiếu lớn. Dòng tiền chảy chủ yếu vào các cổ phiếu trụ cột trên sàn khiến VN-Index tăng mạnh.
Ngoài trừ một số trường hợp đặc biêt, dòng tiền đổ vào các cổ phiếu blue-chips là hợp lý bởi đây thường là các cổ phiếu đầu ngành và rất hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước. Một khi quy mô, chất lượng và hạng TTCK Việt Nam được nâng lên thì điểm đến của dòng tiền vẫn là các cổ phiếu trụ cột.
Mặc dù vậy, thời gian tới, khi các cổ phiếu trụ cột đã hết khả năng tăng tiếp thì nhóm cổ phiếu cơ bản, có kết quả kinh doanh tốt của các DN nhỏ và vừa sẽ hút dòng tiền và đóng góp vai trò nâng đỡ thị trường.
Về cơ bản, triển vọng thị trường vẫn tốt. Tình hình kinh doanh của đa số các DN trên sàn sáng sủa với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25%. Mỗi khi thị trường giảm sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Theo ông Lê Quang Trí, nhóm cổ phiếu có triển vọng trong thời gian tới là ngành dược. Đa phần các DN trên sàn trong lĩnh vực này đều có kết quả kinh doanh tốt. Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu truyền thống như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng và chứng khoán.
Các cổ phiếu có khả năng lợi nhuận đột biến trong quý sau được nhiều CTCK đề cập tới như: Viglacera (VGC), VRC, Dược Hậu Giang (DHG), Phú Nhuận (PNJ), CTV,... Nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định gồm: Đạm Cà Mau (DCM), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), ACB, Sacombank (STB), Vietcombank (VCB),...
Dòng penny và nhiều cổ phiếu trên sàn UPCOM cũng có thể sẽ dậy sóng trong thời gian tới khi mà thị trường phân hóa và dòng tiền thông minh tìm đến các cổ phiếu chưa tăng giá. Trên sàn UPCOM, khối ngoại đã mua ròng 67 phiên liên tiếp.
M. Hà