Việc hoạt động trở lại của nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Nhật Bản càng bị kéo dài, do trong lúc làm việc tại nhà, một nhân viên đã đánh mất nhiều tài liệu khi để trên nóc ô tô và lái xe đi.

Theo hãng tin RT, trước đó, nhà máy Kashiwazaki-Kariwa bị đóng cửa sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011. Cơ quan giám sát hạt nhân Nhật Bản cũng đã gia hạn lệnh cấm hoạt động đối với cơ sở này hồi đầu tuần với lý do lo ngại về mức độ an toàn.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Trong tuyên bố hôm 22/5, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata, cho hay nhiều tài liệu đã bị một nhân viên để trên nóc xe ô tô và sau đó lái đi.

Công ty chỉ phát hiện sự việc sau khi một người dân địa phương nhặt được một vài tài liệu có nội dung chi tiết về cách đối phó với hỏa hoạn và lũ lụt. Tuy nhiên, 38 trang tài liệu vẫn chưa được tìm thấy.   

Tepco đã kỷ luật cảnh cáo cả nhân viên để xảy ra sự cố, và người quản lý. Công ty cũng sẽ siết chặt quy trình quản lý, đảm bảo tất cả nhân viên tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt về việc lấy tài liệu và thông tin ra bên ngoài.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã quyết định dừng hoạt động tất cả 54 nhà máy hạt nhân thương mại để bảo trì và tái cấu trúc.

Cho đến nay, mới chỉ có 10 tổ máy được hoạt động trở lại, và 18 tổ máy dự kiến sẽ hoạt động lại vào năm 2030.