Vở thanh xướng kịch “Messiah” của nhà soạn nhạc Handel, người được thiên tài Beethoven ca ngợi là nhà sáng tác vĩ đại nhất, sẽ được trình diễn trọn vẹn tại TP.HCM.



Chuyện kể rằng kiệt tác “Messiah” ra đời trong hoàn cảnh khốn khó của bậc thầy George Frideric Handel (1685 – 1759), giống như ngày bé khi còn ở thị trấn Halle (Đức), ông phải trốn lên gác mái miệt mài học nhạc bằng một cây đàn nhỏ.

Nghe bản hợp xướng “Hellelujah” trích từ “Messiah" qua phần trình diễn
của dàn hợp xướng Johann Strauss và nhóm đồng ca nhà thờ Harle.

Một ngày cuối tháng 8/1741, dù đã nổi tiếng khắp châu Âu nhưng vẫn sống trong cảnh nợ nần, túng thiếu cùng tâm trạng buồn bã, Handel quyết định bắt tay vào viết phần nhạc cho vở kịch kinh thánh, mà một tháng trước đó người bạn Charles Jennens đã gửi ông.

Dưới tốc độ làm việc nhanh thường có của Handel, “Messiah” ra đời 24 ngày sau đó. Tác phẩm thứ 6 viết cho thể loại oratorio (thanh xướng kịch) của ông gồm 3 phần với ca từ dẫn ý từ phiên bản Kinh thánh bằng tiếng Anh in năm 1604. Phần đầu mô tả những lời tiên tri của Isaiah và sự loan báo tin mừng. Phần hai tập trung vào khổ nạn của chúa Jesus, kết thúc bằng bản hợp xướng “Hallelujah” cực kỳ nổi tiếng, trước khi chuyển sang phần ba về sự phục sinh của ngài.

{keywords}
Nhà soạn nhạc người Đức, sống tại Anh George Frideric Handel (1685 – 1759

Tháng 4/1742, Handel cho phép vở được trình diễn lần đầu tiên tại một phòng hòa nhạc ở Dublin, Ai len nhằm gây quỹ từ thiện cho một nhà thờ. Kể từ đó đến nay, những buổi trình diễn “Messiah” trở đi trở lại trong mỗi dịp giáng sinh. Chẳng hạn như vào tháng 12/1993, người ta đếm thấy ở New York có đến 21 buổi trình diễn vở này. Quy mô ban nhạc và dàn hợp xướng cũng rời xa cung cách thể hiện lúc ban đầu của Handel, vốn chỉ có một giọng nữ cao, 16 người đàn ông và 16 cậu bé trong dàn đồng ca. Vở diễn ngày một hoành tráng hơn, có khi trở thành màn hợp xướng của cả 600 người.

Trở lại với câu chuyện “Messiah” lần đầu tiên được trình diễn trọn vẹn trước khán giả TP.HCM vào lúc 20h ngày 8 & 9/5 tại Nhà hát Thành phố. Đây là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch của thành phố (HBSO) và các nghệ sĩ người Na Uy, Hàn Quốc, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy và chương trình Transposition.

{keywords}
Dàn hợp xướng của HBSO

Tính chất hàn lâm của thể loại oratorio khiến một số cây viết văn nghệ tại TP.HCM tự cảm thấy và bày tỏ hoài nghi đối với “trình độ” của các nghệ sĩ nhạc cổ điển VN lẫn…tai nghe của khán giả. Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình vào chiều 2/5, nhạc trưởng Trần Vương Thạch – giám đốc HBSO nói vở diễn sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cổ, nên chắc chắn sẽ có những khó khăn cho khán giả.

Để tiện theo dõi, sẽ có những bản dịch kịch bản sang tiếng Việt phát cho người dự khán. Phần nhìn của vở thanh xướng kịch có thời lượng dài hơn một tiếng rưỡi cũng được làm cho hấp dẫn thêm một chút bằng thiết kế sân khấu ở mức đơn giản và kỹ xảo ánh sáng.

{keywords}
Nghệ sĩ Thanh Huyền, giọng alto, góp mặt trong vở diễn cùng các đồng nghiệp người Việt, Na Uy, Hàn Quốc.

Bà Lý Giai Hoa, người phụ trách dàn dựng hợp xướng, cho biết một tháng trước khi nhạc trưởng Lars Notto Birkeland qua VN để chỉ huy vở diễn, phía Na Uy đã gửi chuyên gia sang huấn luyện cách phát âm tiếng Anh cổ cho các nghệ sĩ VN. Mọi ráp nối các khâu đều trôi chảy cho đến giờ phút này.

Còn nói như ông Geir Johnson, giám đốc dự án chương trình Transposition, vở “Messiah” là chi tiết nhỏ trên một bức tranh lớn của nỗ lực chuyển giao kiến thức cho các học viên đối tác (tại VN), thông qua việc tổ chức hòa nhạc, workshop, cấp học bổng, phát triển thư viện, tài liệu âm nhạc, bảo quản nhạc cụ… Trong lần hợp tác này, các nghệ sĩ Na Uy sang VN với một khối lượng công việc mệt nhọc: sáng tập vở cùng các nghệ sĩ địa phương, chiều đứng dạy ở các lớp master class ở Nhạc viện TP.HCM.

Tất cả bắt đầu từ năm 2007 và sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến năm 2015.

Vở “Messiah” có sự tham gia của bốn giọng ca danh tiếng quốc tế đến từ Na Uy: Ditte Marie Bræin (nữ cao), Siri Torjesen (nữ trung), Magnus Staveland (nam cao), Halvor Melien (nam trầm) cùng với các giọng hát opera nổi bật nhất của HBSO và khoảng 10 nghệ sĩ đến từ hai dàn nhạc rất nổi tiếng: Trondheim Solistene và Kongelige Norske Marines Musikkorps (Na Uy). Chỉ huy đêm diễn là nhạc trưởng người Na Uy Lars Notto Birkeland, người đã có chương trình thành công với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM trong công diễn lần đầu vở nhạc kịch “Dido và Aeneas” tại VN (2012).

  Minh Chánh