Theo Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông, rộng gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền (khoảng 29% diện tích Biển Đông), bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa với gần 3.000 đảo lớn nhỏ ven bờ, và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa. 

anh bai 5a.jpg
Biển Việt Nam là trong một trong những vùng biển giàu có về đa dạng sinh học biển.

“Biển Việt Nam là trong một trong những vùng biển giàu có về đa dạng sinh học biển, nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trên thế giới. Đây là tiền đề và nền tảng rất quan trọng để phát triển các ngành kinh tế và dịch vụ biển, tương xứng với vị thế của một quốc gia ba phần là biển”, đại diện Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định.

Khái quát tiềm năng biển Việt Nam, đại diện Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. 

Khu vực vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa của Việt Nam là những nơi có tiềm năng dầu khí, và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại các mỏ ở thềm lục địa phía nam từ năm 1994. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của nước ta có trữ lượng khoảng 3 - 4 tỷ tấn dầu quy đổi. 

Khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển và thềm lục địa nước ta, là một trong bốn khu vực ở Đông Á có tiềm năng băng cháy (hydrate metan) - nguồn năng lượng mới từ biển. 

Dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý như titan, ziacon và xêri, và 50.000-60.000 ha đồng muối biển. Đặc biệt, sự phát hiện mới đây ở vùng cát ven biển nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng nói trên có tầm thế giới. Sản lượng khai thác inmênit từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và ziacôn 1.500 tấn/năm. Gần đây, đã phát hiện một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng chừng trên 100 tỷ tấn. Cát thuỷ tinh thì phải kể tới mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỷ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). 

Nguồn lợi hải sản biển nước ta với trữ lượng khoảng 5,3 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác bền vững 2,3 triệu tấn/năm. Dọc ven biển có hơn 800.000 ha bãi triều và các vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng các loài thuỷ sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá mú, rong câu... để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản ở biển và ven bờ với quy mô lớn, hiện đại và toàn diện, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, ổn định với khả năng cạnh tranh cao cho đất nước. 

Dọc bờ biển nước ta có một số trung tâm đô thị lớn, với trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao với tư cách là các khu hậu cần cho khai thác biển xa. 

Mặt khác, nước ta có hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển (hiện mới chỉ khai thác chừng 30 bãi biển vào mục đích nghỉ mát, du lịch). 

Quần thể trên 2.000 đảo ven bờ thuộc Quảng Ninh - Hải Phòng, phần lớn là đảo đá vôi lớn nhỏ, địa hình karst ngập nước với cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, được xem là có giá trị độc nhất vô nhị trên thế giới. 

Cùng với nhiều giá trị tự nhiên, văn hóa - khảo cổ biển khác, vùng biển, ven biển và hải đảo nước ta ẩn chứa nhiều giá trị di sản đẳng cấp quốc tế và quốc gia. 

Ngoài ra, biển, vùng ven biển và hải đảo Việt Nam còn ẩn chứa đa dạng năng lượng sạch, năng lượng thay thế của gió (sức gió mạnh và khá ổn định trong năm), của mặt trời và năng lượng biển (sóng, dòng chảy). 

Trong tương lai, Việt Nam sẽ có những trung tâm kinh tế biển - đảo, trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng biển lớn và hiện đại tầm cỡ quốc tế ở ven biển và trên các đảo. 

Theo các chuyên gia, tiềm năng tài nguyên biển nếu được khai thác và sử dụng hiệu quả sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng” đã được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV