Ước tính, Nhật Bản có 1 triệu lao động trong ngành kỹ thuật số. Chính phủ dự đoán nước này sẽ thiếu hụt 2,3 triệu nhân lực số đến năm tài khóa 2026. Quốc gia cần nhiều kiến trúc sư kinh doanh (business architect), người có thể giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, cũng như các nhà khoa học dữ liệu.

Nhật Bản sẽ thiếu hụt nhân lực số trầm trọng trong các năm tới. (Ảnh: Microsoft)

Kế hoạch hành động của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio bao gồm mục tiêu có tổng cộng 3,3 triệu nhân lực số vào cuối năm tài khóa 2026 trong tổng số 68 triệu lao động. Tại buổi họp báo ngày 25/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cam kết sẽ nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu này.

Nhật Bản sẽ công nhận các khóa học đào tạo kiến thức và kỹ năng cần thiết. Trước lo ngại thiếu người hướng dẫn, chính phủ sẽ cân nhắc các cách để công ty cử chuyên gia có kinh nghiệm thực hành. Ngoài ra, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế cùng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cùng phát triển lớp nhân lực số thông qua hợp tác giữa các công ty với trường đại học.

Chính phủ còn vạch ra các kế hoạch để hỗ trợ những người lao động muốn chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số bằng cách trang bị lại kỹ năng cho họ.

Nhật Bản đang tăng cường ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động của mình. Gần đây nhất, Nikkei đưa tin Microsoft sẽ cung cấp GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn đứng sau ChatGPT và công nghệ AI do Meta phát triển cho nước này. Cơ quan kỹ thuật số mới dự định chi hơn 2 triệu USD để sử dụng công nghệ trong một năm, bắt đầu thử nghiệm từ mùa thu năm nay.

Nhân viên sẽ dùng nó để chuẩn bị biên bản, soạn thảo câu trả lời cho các quan chức chính phủ trước quốc hội và hỗ trợ phân tích thống kê. Về phía Microsoft, công ty muốn tích lũy dữ liệu và cải thiện độ chính xác trong tiếng Nhật, vốn là một điểm yếu.

Để hệ thống xử lý được thông tin tối mật, Microsoft đã lắp đặt thiết bị với năng lực xử lý cao tại các trung tâm dữ liệu ở Tokyo và Osaka. Đây là lần đầu tiên công nghệ được triển khai ở châu Á. Ngoài ra, các trung tâm dữ liệu nội địa làm dịu nỗi lo bảo mật khi phải chuyển thông tin ra nước ngoài để xử lý.

Trong một dự thảo hồi tháng 4, Đảng Dân chủ tự do cầm quyền cho biết việc sử dụng AI tạo sinh sẽ mang đến lợi ích lớn cho xã hội thông qua cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hành chính.

(Theo Nikkei)