“Chúng tôi không nắm được bất cứ thông tin nào hướng vào Iran”, ông Kono nói. Phát biểu này trái ngược với cáo buộc của Ảrập Xêút và Mỹ rằng Iran đứng sau vụ tấn công gần đây vào các cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn Aramco.
“Chúng tôi tin rằng nhóm Houthi đã thực hiện cuộc tấn công, dựa vào tuyên bố nhận trách nhiệm của họ”, ông Kono nói. Song, ông cũng cho biết Nhật Bản vẫn đang trong quá trình điều tra xác nhận kẻ chủ mưu đứng sau vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono |
Trước đó hôm 16/9, ông Kono cho hay Nhật Bản không thể tham gia vào bất cứ chiến dịch đáp trả quân sự nào, vì các giới hạn trong hiến pháp. Thay vào đó, Tokyo sẽ theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Trung Đông.
Hôm 17/9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nói ông không có thông tin về các bằng chứng thể hiện sự tham gia của Iran trong cuộc tấn công.
“Chúng ta cần một chiến thuật giảm tải căng thẳng ở khu vực, và bất kỳ động thái nào đi ngược lại mục tiêu giảm tải căng thẳng sẽ là một động thái không khôn ngoan cho tình huống ở khu vực hiện giờ”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho hay.
Hôm 14/9, tập đoàn dầu khí Aramco của Ảrập Xêút đã phải đóng cửa hai cở sở sản xuất dầu sau bị tấn công. Vụ việc đã cắt giảm 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, khoảng một nửa tổng sản lượng dầu hàng ngày của Ảrập Xêút.
Hôm 18/9, Bộ Quốc phòng Ảrập Xêút đã họp báo, đưa ra những bằng chứng mà họ miêu tả là tên lửa hành trình của Iran và thiết bị bay không người lái Delta Wing. Họ cho biết “không còn nghi ngờ gì” rằng cuộc tấn công “được tài trợ bởi Iran”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho hay rằng dựa trên các bằng chứng ông đã nhìn thấy, có vẻ như Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.
Anh Thư