Blockchain tham gia sâu vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Tài chính - ngân hàng là một trong những ngành chuyển mình mạnh mẽ nhất dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với hàng loạt giải pháp mới được đưa ra nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong hoạt động giao dịch, thanh toán, tài trợ thương mại, tín dụng và cho vay, chứng khoán và bảo hiểm… 

Trong số các công nghệ mới nổi, Blockchain được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành tài chính - ngân hàng một cách toàn diện. 

Theo thống kê của ReportLinker, mức độ đóng góp của Blockchain trong thị trường dịch vụ tài chính và ngân hàng dự kiến tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%. 

Chia sẻ về công nghệ Blockchain, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, với đặc tính phi tập trung, công nghệ Blockchain đã giải quyết nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tìm cách áp dụng công nghệ này vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công nghệ Blockchain thách thức các ngân hàng phải tiến hóa thay vì phủ định lại ngành tài chính ngân hàng như một số người lầm tưởng. 

Nghiên cứu mới nhất của Boston Consulting Group cho thấy, có 7 xu hướng lớn khi ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành tài chính ngân hàng. Đó là tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC), huy động vốn (ICO), tài chính phi tập trung (DEFI, định danh số (NFT), hợp đồng thông minh (Smart Contract), token được thế chấp bằng tài sản và tư vấn tài chính tự động (robo advisor). 

Ông Phan Đức Trung cho rằng, các ngân hàng không nên ứng dụng Blockchain vào việc giải quyết bài toán mang tính sự vụ mà hãy hướng tới việc cắt giảm chi phí, nhằm tạo ra lợi nhuận cao hơn và cạnh tranh với các công ty Fintech. 

Chuyên gia từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra khuyến nghị, nên xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain.

Bên cạnh đó, các ngân hàng truyền thống không nên coi các công ty Fintech là đối thủ mà hãy coi mình như lõi trung tâm để xây dựng một hệ sinh thái bao quanh. 

Ứng dụng công nghệ Blockchain tại các ngân hàng Việt

Tại Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm ứng dụng công nghệ Blockchain vào trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Tháng 7/2018, TPBank cùng VietinBank, VIB và NAPAS triển khai thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng công nghệ Blockchain. 

Đến năm 2019, HSBC đã áp dụng Blockchain trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam bằng giao dịch thư tín dụng (L/C). Sau đó lần lượt là 5 ngân hàng thương mại Việt Nam (BIDV, HDBank, Vietinbank, MBBank và Vietcombank).

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Chính sách Sản phẩm Bán buôn (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) cho biết, tháng 12/2020, Vietcombank đã thực hiện thí điểm thành công giao dịch thư tín dụng trên nền tảng Blockchain tại Việt Nam. 

“Tiếp đó, tháng 9/2021, Vietcombank ứng dụng thành công Blockchain trên nền tảng Ngân hàng số VCB Digibank, phát triển dịch vụ VCB Rewards – chương trình tri ân dành cho khách hàng cá nhân”, bà Nhung nói.

Công nghệ Blockchain đang ngày càng được triển khai ứng dụng nhiều hơn vào lĩnh vực tài chính số. 

Với ông Tống Văn Tiến – Giám đốc Giải pháp mua ngoài và Quan hệ đối tác (Ban GĐK IT, Ngân hàng TMCP Tiên Phong), top 5 ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng là xác minh danh tính kỹ thuật số, giao dịch liên ngân hàng, mua bán tài sản, tín dụng và cho vay, tài chính thương mại. 

Theo ông Tiến, TPBank đang triển khai 2 giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain vào thực tế kinh doanh chứ không còn mang tính thử nghiệm, đó là chuyển tiền quốc tế Blockchain RippleNet và tích điểm khách hàng ứng dụng giải pháp của Akachain. TPBank cũng nghiên cứu cho ra đời một ngân hàng ảo kinh doanh trên công nghệ thực tế ảo. 

Có thể thấy, tiềm năng phát triển của hệ sinh thái Blockchain là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do thiếu chuyên gia. Ngoài ra, mức độ am hiểu của người dân với công nghệ Blockchain còn hạn chế. Việt Nam cũng chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý cụ thể nào cho lĩnh vực này. Đây là những điều chúng ta cần khắc phục nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Trọng Đạt