Cả thế giới đang tập trung vào từng động thái sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Nhật Bản cuối cùng ở nhiệm kỳ này.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sang Nhật Bản để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia G-7 lần thứ 42, đồng thời thực hiện chuyến thăm chính thức nước này.

Chuyến thăm này không chỉ giúp củng cố mối quan hệ với Nhật Bản và các đồng minh châu Âu, mà còn góp phần cải thiện hình ảnh của nước Mỹ đối với người dân quốc đảo vừa kỷ niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử.

Bất đồng quanh lệnh trừng phạt Nga

Thử thách đầu tiên của Tổng thống B. Obama là việc giải quyết những bất đồng đang tồn tại trong khối G-7. Trong đó, những tổn thất của liên minh châu Âu (EU) trong chiến dịch trừng phạt Liên bang Nga đang ngày càng tạo thêm khoảng cách giữa ông Obama với các đồng minh châu Âu còn lại.

Theo Báo cáo của Nghị viện Châu Âu công bố tháng 10/2015, nền kinh tế nhiều quốc gia thành viên EU bị thiệt hại đồng loạt trên các lĩnh vực tài chính, thương mại, nông nghiệp với ước tính xấp xỉ 100 tỷ euro (109 tỷ USD) do lệnh trừng phạt kinh tế mà khối này áp đặt lên Nga từ năm 2014 vì vấn đề Crimea.

Lệnh trừng phạt Nga trên thực tế không có điều khoản tự gia hạn và sẽ chính thức hết hiệu lực vào tháng 6 năm nay. Hiện đã có một vài thành viên châu Âu trong G-7 có ý định dùng Hội nghị Ise-shima để nới lỏng lệnh trừng phạt, hướng đến bình thường hóa quan hệ với Nga nếu nước này tuân thủ những điều kiện cần thiết (như Thỏa thuận Minsk) nhằm giảm các thiệt hại kinh tế - tài chính cho châu Âu.

Nhưng điều này đi ngược với mong muốn của Mỹ khi vào tháng 3/2016, Tổng thống B. Obama quyết định gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Mâu thuẫn này nếu không đạt đồng thuận sẽ có tác động tiêu cực đến các hợp tác khác trong toàn khối nhóm G-7 nói riêng và quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyênĐại Tây Dương của Mỹ với Liên minh châu Âu nói chung (T-TIP).

An ninh hàng hải cũng là một trọng tâm trong Hội nghị G-7 lần này, khi nước chủ nhà Nhật Bản đã mời Việt Nam, Sri-Lanka, Indonesia, Bangladesh, Papua New Guinea và Lào (quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN) cùng tham dự phiên thảo luận. Dự kiến các vấn đề an ninh hàng hải xuyên suốt tuyến đường nối dài từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ Dương, biển Đông, biển Hoa Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của các nguyên thủ khối G-7.

Trong khi đó, Báo cáo Tiến độ của Hội nghị Ise-shima công bố vừa qua chỉ tập trung vào an ninh ở khu vực châu Phi, đặc biệt là tuyến hàng hải đi qua Somalia. Nghĩa là có một khoảng cách khá xa giữa những vấn đề nghị sự trong khối G-7 với những diễn biến an ninh hàng hải mà Nhật Bản muốn bổ sung thêm ở khu vực Đông Á. Tổng thống Mỹ được kỳ vọng có thể dùng ảnh hưởng để thu hẹp khoảng cách giữa Nhật Bản và phần còn lại của G-7.

{keywords}
Tổng thống Obama đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam

Thử thách “nhạy cảm” với nước Nhật

Sau khi tham dự Hội nghị G-7, Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm Công viên Tưởng niệm hoà bình Hiroshima vào ngày 27/5. Đối với người dân Nhật Bản, đây là lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Hiroshima – thành phố vừa kỷ niệm 70 năm bị quân đội đồng minh thả bom nguyên tử. Và dư luận toàn Nhật Bản đang mong đợi một lời xin lỗi chân thành từ người đứng đầu chính phủ Mỹ.

Đây cũng là thử thách tiếp theo, tuy chỉ mang tính biểu tượng nhưng được đánh giá là có tính nhạy cảm rất cao cho quan hệ Mỹ - Nhật nói riêng và hình ảnh có trách nhiệm của nước Mỹ nói chung đối với thế giới đang phi hạt nhân hóa.

Cuối cùng là thử thách trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm ngày 27/5, Tổng thống Mỹ sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật trên các nhiều lĩnh vực. Trong đó có vấn đề thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Nhật Bản đang gặp phải nhiều khó khăn từ dư luận trong nước. Cả Mỹ và Nhật Bản đều được kỳ vọng sẽ được Quốc hội mỗi nước thông qua Hiệp định này trong nửa cuối năm 2016. Tất cả đang phụ thuộc vào động thái sắp tới của Mỹ.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) cùng nhóm ASEAN + 6. Sự chồng chéo giữa các thành viên Hiệp định TPP với RCEP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác của Nhật Bản đang là vấn đề tác động rất lớn đến tính khả thi của việc thông qua TPP.

Theo một báo cáo công bố tháng 09/2015, quan hệ thương mại song phương Mỹ - Nhật tăng dần từ năm 2009 đến năm 2012, nhưng lại có dấu hiệu giảm dần giai đoạn 2013 - 2014. Đây cũng là nội dung mà lãnh đạo hai bên cần thiết phải trao đổi nhằm củng cố lại trọng tâm thương mại song phương và đa phương Mỹ - Nhật.

Với vai trò đồng minh quân sự, Nhật Bản từ lâu đã cung cấp hạ tầng cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú, với khoảng 20 địa điểm tập kết đa phần nằm ở đảo Okinawa. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hoạt động phản đối việc quân Mỹ đồn trú ở Okinawa có xu hướng ngày càng quyết liệt, tạo tiền lệ cho các phong trào phản đối quân Mỹ trú đóng trên toàn Nhật Bản.

Xu hướng này được tiến hành cùng lúc với quá trình tái vũ trang của quân đội Nhật Bản, cũng như việc diễn giải lại điều 9 Hiến pháp về khả năng xây dựng quân đội phục vụ quốc phòng. Tuy nhiên, khái niệm “phòng vệ tập thể” mà Nhật Bản đang theo đuổi đòi hỏi sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Đây là thế lưỡng nan về quốc phòng của Nhật Bản.

Vai trò của Mỹ trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vì vậy sẽ được xem xét lại với nhiều diễn biến mới trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.

Như vậy, tương lai khối G-7 với những bất đồng hiện tại có tiếp tục kết dính được hay không? Quan hệ Mỹ - Nhật vẫn là quan hệ giữa hai cường quốc “trong cựu thù, ngoài đồng minh” sau chiến tranh thế giới thứ 2 với thảm hoạ hạt nhân còn in hằn dấu tích, hay đã thay đổi thành quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với vị thế bình đẳng ? Cả thế giới đang tập trung vào từng động thái sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Nhật Bản cuối cùng ở nhiệm kỳ này.

Lục Minh Tuấn

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh.

>> XEM THÊM