- Nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục như chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới, đội ngũ giáo viên, trách nhiệm địa phương đã được đặt ra tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018.

{keywords}
Hội nghị tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Ảnh: Thanh Hùng

"Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước"

“Tôi đề nghị tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong từng vấn đề cụ thể”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề như vậy trong phát biểu khai mạc.

Sau khi trình bày ngắn gọn kết quả của năm học trước, Bộ trưởng Nhạ đề nghị các đại biểu dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành trong năm học tới, “xem các nội dung này đã đúng, trúng chưa; từ đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả”.

Bộ GD-ĐT dự kiến 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới như sau:

- Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm: Làm trường trung tâm hoặc trường vệ tinh, phân hiệu.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày dự kiến 3 nội dung trọng tâm của năm học mới. Ảnh: Thanh Hùng

Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

"Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay"

Nhiều ý kiến tham luận từ các địa phương đã đề xuất Bộ GD-ĐT lùi thời hạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay vì áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch.

Đại diện tỉnh Nam Định cho rằng, việc áp dụng chương trình mới cần phải được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lí xã hội. Vị này đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông vẫn chấp nhận được, chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay, và đề nghị Bộ công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương, nếu còn khó khăn thì nên lùi thời điểm thực hiện.  

Không nên đồng loạt triển khai đổi mới giáo dục một lúc, vì như thế không thể kham nổi...
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng cho rằng Bộ đã làm bài bản, có lộ trình với chương trình phổ thông mới, nhưng các địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất khi triển khai.

"Tỉnh Nghệ An rất quan tâm, cố gắng nhưng cơ sở vật chất ở khu vực vùng cao, đội ngũ giáo viên qua nhiều thời kỳ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị lùi thời hạn áp dụng để chuẩn bị cho hiệu quả hơn".

Đồng tình với đề xuất lùi thời gian, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: "Bắt đầu lộ trình từ năm học 2018 - 2019 là hơi gấp. Việc lùi này là để có khoảng thời gian vật chất cần thiết cho Sở GD-ĐT triển khai bồi dưỡng giáo viên. Thừa Thiên Huế có 17.00 giáo viên - số lượng không nhiều nhưng để thấm, hiểu được chương trình mới cần có thời gian chín".

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, thì việc "lùi một năm không quan trọng lắm".

"Nói là đổi mới toàn diện từ chương trình cho tới SGK vì vậy điều kiện cũng phải đồng bộ. Trong một năm liệu có đảm bảo được những điều kiện này không?" - bà Giang đặt câu hỏi.

Theo bà Giang, Bộ GD-ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên đồng loạt cùng một lúc, bởi làm như vậy sẽ không thể kham nổi. 

"Phải xác định rõ làm ở đâu, bắt đầu từ vấn đề gì, nội dung gì để làm dần chứ đồng loạt một lúc thì không được".

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi đi kiểm tra công tác đầu năm học mới gày 18/8, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đề nghị xem xét lùi thời điểm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới để tỉnh có thời gian chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Cần bãi bỏ những quy định cứng nhắc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại một số thành tựu của ngành giáo dục trong năm qua như hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH và việc ban hành nhiều văn bản để khắc phục bệnh thành tích, bỏ bớt những kỳ thi, hoạt động không cần thiết…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 5 điểm bất cập: Quản lý Nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non "còn nhiều thứ phải làm"; Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm; Chưa chú ý việc dạy toàn diện con người; Thừa thiếu giáo cục bộ ở các địa phương; Không có kế hoạch bồi dưỡng để chuyển đổi; chưa chú ý giáo dục thường xuyên.

Từ đó, ông Đam cho rằng, trước hết, ngành giáo dục cần tập trung chỉ đạo để các trường có quan tâm việc dạy làm người cho học sinh.

"Chúng ta không nói triết lý nhưng rõ ràng phải dạy cho con người nhân văn hơn".

Theo ông Đam, ngành giáo dục phải cố gắng bãi bỏ hết những quy định cứng nhắc theo kiểu "cầm tay chỉ việc", các quy định về "chuẩn" hình thức.

"Chẳng hạn như trường chuẩn rất tốt, nhưng nhiều nơi các trường xây dựng theo mẫu chuẩn thì không phù hợp. Tôi đã từng đi những nơi rất xa, miền núi nhưng trường xây nhà vệ sinh xây khép kín bên trong, nước không có. Điều này xuất phát từ chuẩn cứng nhắc áp từ trên xuống".

Đối với giáo dục đại học, cần bỏ cách tiếp cận "quản chặt từ trên" để hạn chế khả năng phát sinh tiêu cực.

Với các trường phổ thông, ông Đam đề nghị Bộ sớm hoàn thiện nghị định quản trị mới để phát huy tính dân chủ, sáng tạo trong hệ thống giáo dục ở các cấp.

Ông Đam cho rằng, các địa phương không thể nói là không có trường, không có lớp để lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới. 

"Tinh thần là khẩn trương nhất, nhưng chưa thấy yên tâm thì báo cáo cơ quan chức năng để điều chỉnh tiến độ".

Về vấn đề đào tạo sư phạm, theo ông Đam, cần phải có sự đổi mới về gốc rễ trong phối hợp quản lý giữa Bộ GD-ĐT và địa phương. 

Trên cơ sở thành công của kỳ thi THPT quốc gia, năm tới sẽ tiến hành cải tiến về kỹ thuật, chủ yếu tập trung vào khâu ra đề cho tốt hơn.

Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục làm gì?

Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục làm gì?

Sửa luật, quy hoạch mạng lưới giáo dục, ban hành chuẩn giáo viên...là những việc mà ngành giáo dục xác định đang làm mạnh mẽ trong năm học mới.