Kiến trúc làng trong phố

Thủ đô Hà Nội có 17 huyện, trong đó có nhiều thị trấn, xã, thôn có những giá trị về kiến trúc cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng. Trải qua hàng trăm năm, đời sống, tín ngưỡng lâu đời ở mỗi ngôi làng ấy đã góp phần tạo nên văn hóa kiến trúc rất riêng của Hà Nội. 

Nằm ngay trong lòng phố Hà Nội, làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bao đời nay nổi tiếng là một làng ven đô mà nét cổ xưa vẫn còn được lưu giữ lại. Hiện nay, theo đơn vị hành chính, Đông Ngạc không còn gọi là làng, thế nhưng những nét xưa, hồn cũ vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây còn rất nhiều di tích đình, đền, chùa, nhà cổ lưu giữ lại nét đẹp cổ kính, rêu phong.

W-dongngac.png
Một góc làng Đông Ngạc

Hay như làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. Còn bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập. Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.

Với bề dày lịch sử gần bốn thế kỷ, làng Quan Nhân nằm ngay trong khu vực nội thành Hà Nội. Khởi thủy, làng chỉ là một trang trại: một người làng Mọc cũ đỗ tiến sĩ được cấp mộng đất lập dinh cơ, đã chọn chỗ này xây dựng nhà cửa, đưa người nhà họ hàng đến ở, tập trung chung quanh cho đông thành xóm làng. Đến thế kỷ XIX thì Quan Nhân trở thành một làng lớn đông dân nhất trong số những làng Mọc. Làng Quan Nhân có hai cổng xây: cổng Tiền có bốn cột trụ lớn, cổng Hậu có vòm canh bên trên và có hai xóm: xóm Chùa, đông dân, nhiều nhà ngói của quan lại, công chức người làng, đình làng và chùa; xóm Sòi, ở tách ra phía ngoài bên kia đường cái, xóm nhỏ hơn. 2 xóm này được chia ra làm bốn giáp: Ninh Phúc, Ninh Mỹ, Đoàn Kết và Kiến Thiết.

Tạo sự đồng bộ về kiến trúc cảnh quan khu vực làng xóm cũ.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu tại các vùng ngoại ô Hà Nội, quá trình này làm thay đổi cấu trúc không gian, cảnh quan tại vùng nông thôn của thành phố là không thể tránh khỏi. 

GS.TS.KTS Đỗ Hậu trăn trở, trải qua hàng trăm năm, các thị trấn, làng xã ấy đã kiến tạo nên và lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc và cảnh quan rất đa dạng, phong phú, có ý nghĩa về lịch sử, nghệ thuật và nhân văn, trong đó giá trị về kiến trúc cảnh quan có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị, còn tới 70% diện tích hành lang xanh là khu vực nông thôn.

Các huyện của Hà Nội bao gồm nhiều thị trấn, xã, thôn có những đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cơ cấu sản xuất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, không gian kiến trúc cảnh quan khác nhau. Do vậy, để làm tốt công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan cần được xem xét cụ thể từng huyện, từng khu vực để có những quy định quản lý cho phù hợp.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV