LTS: Bất ngờ nhận được món tiền quá lớn, đa phần người trúng số độc đắc không biết cách tiêu xài dẫn đến “của thiên trả địa”. Nhiều trường hợp sau khi trúng số còn khổ hơn trước đó. 

Dựa theo những sự kiện có thật, vô số câu chuyện về hậu vận của những người trúng số độc đắc được thêu dệt với nhiều biến tướng khác nhau. 

Để hiểu rõ hơn, VietNamNet giới thiệu tuyến bài Hậu vận người trúng số độc đắc như một lát cắt giúp bạn đọc hiểu hơn về chuyện đời của người trong cuộc.

Kỳ 1: Trúng số hơn 5 tỷ đồng, ‘chú Mười’ hào sảng chi tiền giúp người thân

Kỳ 2: Trúng 'lộc trời' năm 15 tuổi, người đàn ông lâm cảnh bi thương

Kỳ 3: Những câu chuyện buồn ở nơi được mệnh danh 'làng trúng số độc đắc'

Quy luật “của thiên trả địa”

Với những sóng gió đã trải qua, ông Đỗ Hoàng Toàn, người từng 2 lần trúng số độc đắc ở tỉnh Bình Dương thấm được quy luật “của thiên trả địa”. Cho đến hôm nay, ông Toàn quan niệm việc trúng số là họa chứ chưa chắc là phước. 

“Trúng số mà biết sử dụng tiền thì có âm đức tốt. Nếu tiêu xài hoang phí, về hậu vận còn khổ hơn trước khi trúng. Đồng tiền trúng số là của trời ban, là tiền đóng góp từ nhiều người mua vé số. Thế nên, cầm lộc trời mà không biết giúp lại người khác, chỉ biết lo cho mình thì mãi cũng không ngẩng đầu lên được”, ông Toàn chia sẻ.

Ông Đỗ Hoàng Toàn có được bài học đáng giá sau lần trúng số độc đắc. Ảnh: Ngọc Lài.

Có lẽ, anh Đỗ Ngọc Tuấn ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, may mắn giác ngộ quy luật “của thiên trả địa” sớm hơn ông Toàn. Từ lần trúng số đầu tiên, anh đã không ngần ngại dùng số tiền trời cho giúp đỡ người thân. Đến nay khi anh khốn khó, người thân, vợ con không hề trở mặt. 

Anh tự hào bản thân chưa bao giờ dùng tiền trúng số làm điều sai trái. Cho nên, cuộc sống của anh phần nào thảnh thơi, không lâm vào cảnh bỏ xứ mà đi như bao người khác.

Chị Nguyễn Thị Lành cùng ngụ huyện Bến Lức, là người bán vé số thiếu cho anh Tuấn, cũng trải qua biết bao thăng trầm sau ngày trúng số độc đắc. 

Ở thời điểm đó, với hoàn cảnh khó khăn, chị Lành hoàn toàn có thể lẳng lặng ôm hết vé số trúng độc đắc của anh Tuấn mua thiếu đi nơi khác hưởng thụ. Thế nhưng, chị hiểu nghèo cho sạch, rách cho thơm, của thiên rồi cũng trả địa nên gọi điện báo tin cho anh Tuấn mà không chút suy tính.

Trời thương, ngày hôm đó, chị Lành cũng trúng độc đắc nhờ “ôm” vé số ế cùng lốc số với anh Tuấn. Có số tiền lớn, chị sẵn sàng chi tiền xây nhà cho bố mẹ, cho chị em vay. Thế nhưng, từ lúc có tiền, hôn nhân của chị vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn, được dịp bùng nổ, rồi tan vỡ.

Mua vé số vốn không sai, nhưng nhiều người lại lạm dụng, lười lao động, trông chờ trúng số. Ảnh: Ngọc Lài.

Suốt mấy năm trời, chị mang tiếng trúng số, giàu có, sinh tật bỏ chồng theo trai. Tuy nhiên, chị không giải thích, cũng chẳng thèm biện minh. “Đúng sai đã có trời đất phân giải, hậu vận trả lời”, chị Lành nói.

Hậu vận thảnh thơi nhờ trúng số

Số tiền trúng số của chị Lành vơi dần theo năm tháng, bốc hơi cùng những món nợ khó đòi. Không vì tiếc của để rồi làm càn, chị lặng lẽ quay về với nghề bán vé số dạo. 

Thấy tính tình chị chất phác, một người đàn ông lỡ một lần đò đem lòng yêu mến. Rổ rá cạp lại, cả hai đến với nhau mà không cần lễ cưới. 

Đến nay, họ có con chung và chí thú làm ăn. Chị Lành vẫn bán vé số dạo nhưng không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Người chồng hiện tại đủ sức lo cho chị cuộc sống ấm êm.

Cuộc sống về già của ông Trần Long thảnh thơi cũng nhờ trúng số. Ảnh: Ngọc Lài.

Nhờ dùng tiền trúng số đúng cách, ông Trần Long (62 tuổi, thường gọi là Bảy Xèo, ngụ phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) có tuổi già thảnh thơi. Mỗi ngày, sau khi lo chuyện cơm nước cho vợ, ông lại cuốc bộ ra chỗ người bạn thân trò chuyện, giải khuây.

Bảy năm trước, ông làm nghề quét rác, vợ buôn bán ở chợ Thủ Đức B (phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức). Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông luôn trong tình cảnh chạy ăn từng bữa. Thế rồi, vận may trong ngày 8/8/2016 đã thay đổi cuộc đời ông. 

Ngày hôm đó, ông Long đang làm trong chợ thì chị Nguyễn Thị Thùy Linh đi bán vé số ngang qua. Thấy chị Linh, ông Long vội vàng lục túi lấy tiền trả số nợ mua vé số còn thiếu. Tuy nhiên, chị Linh không lấy mà năn nỉ ông mua thêm 23 tờ vé số.

Mặc dù ông từ chối, nói không có tiền mua nhưng chị Linh vẫn cuộn 23 tờ vé số nhét vào túi của ông rồi bỏ chạy. Ông ngơ ngác chỉ biết đứng nhìn.

Chiều cùng ngày, ông Long phát hiện mình trúng số giải an ủi, tổng cộng 23 tờ được 2,3 tỷ đồng. Sau khi nhận thưởng, ông chỉ lấy 200 triệu đồng, còn bao nhiêu đưa hết cho vợ cất giữ. Vợ ông dùng tiền trúng số trả món nợ hơn 200 triệu đồng và làm từ thiện.

Nếu trúng số thêm một lần nữa, ông Long sẽ dùng số tiền đó xây nhà cho người nghèo. Ảnh: Ngọc Lài

Ông Long nói: “Nhờ vợ biết quản lý tiền bạc, cho nên đến bây giờ, tôi vẫn còn tiền tỷ gửi trong ngân hàng. Nếu không đưa vợ giữ, chắc tôi đã tiêu hết số tiền đó”.

Ông Long cũng quan niệm người cầm số tiền lớn mà không có đức thì tiền tỷ cũng hết sạch. Trong túi không có nhiều tiền, nhưng hễ gặp người khó khăn, ông đều tặng một món tiền nho nhỏ.

Cũng như ông Long, nhiều người trong cuộc đều nhận định việc mua vé số với mong cầu đổi đời không sai. Nhưng, nếu chỉ mua vé số lấy lộc thì tùy hoàn cảnh mà mua số lượng ít hay nhiều, đừng tham lam biến mình thành con bạc.