Quân đội Mỹ xác định binh sĩ vượt biên trái phép sang Triều Tiên vào ngày 18/7 là binh nhì Travis T. King. Trước khi bỏ trốn, người này đang phải đối mặt với án kỷ luật.

King trốn sang Triều Tiên khi đang tham quan Khu vực An ninh chung (JSA) ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên. Mỹ tin King đang bị phía Triều Tiên giam giữ. Hiện động cơ, và chi tiết quá trình bỏ trốn của binh sĩ Mỹ chưa được làm rõ. 

Việc binh sĩ Mỹ trốn sang Triều Tiên xảy ra giữa lúc quan hệ hai nước đang căng thẳng. Ảnh: AP

Reuters đưa tin, sau khi Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình, một vài trường hợp binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên đã được ghi nhận. 

Theo tờ Korea Times, binh sĩ Mỹ Joseph T. White từng bắn súng để phá khóa cổng dẫn vào DMZ, khi người này đóng quân ở Hàn Quốc vào năm 1982. Sau khi vượt biên, White đã đầu hàng quân đội Triều Tiên. 

Phía Triều Tiên tuyên bố White đã đào tẩu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng từ chối yêu cầu của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc về việc được gặp White. Một phát ngôn viên của quân đội Mỹ sau đó cho biết quá trình điều tra xác định White đã tự ý vượt biên sang Triều Tiên. Trong một đoạn video do Triều Tiên công bố, White đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, và ca ngợi Bình Nhưỡng cùng lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Tờ Washington Post đưa tin, cha mẹ của White từng nhận được một lá thư viết tay được cho là của con trai. Nội dung bức thư viết White đang làm giáo viên và sống hạnh phúc ở Triều Tiên. Tuy nhiên, White đã qua đời sau tai nạn đuối nước vào năm 1985 tại Triều Tiên.

Trường hợp thứ hai là binh sĩ Charles Robert Jenkins. Người này vượt biên sang Triều Tiên khi đang tuần tra ở DMZ vào năm 1965. Ông đã bày tỏ sự hối hận, và giải thích tại tòa án binh rằng động cơ bỏ trốn là muốn trốn tránh các nghĩa vụ nguy hiểm ở Hàn Quốc. Theo Jenkins, ông ta đã uống 10 cốc bia trước khi vụ việc xảy ra.

Trong gần 4 thập kỷ ở Triều Tiên, ông Jenkins làm nghề dạy tiếng Anh, và đóng vai điệp viên Mỹ trong một bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên. Ông Jenkins kết hôn với bà Hitomi Soga, một phụ nữ Nhật Bản. Bà Soga được phép trở lại Nhật Bản vào năm 2002. Ông Jenkins cùng 2 con gái đoàn tụ với vợ vào năm 2004. Tới năm 2017, ông Jenkins qua đời.

Trường hợp thứ 3 bỏ trốn sang Triều Tiên là James Joseph Dresnok, một binh nhì 21 tuổi của quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc, vào năm 1962. Trong một bộ phim, Dresnok đã mô tả về cuộc đời mình và cách băng qua bãi mìn để vượt DMZ.

Dresnok và 3 người lính Mỹ đào ngũ gồm Jenkins, Jerry Wayne Parrish và Larry Allen Abshier đã phải sống cô lập trong nhiều năm, trước khi họ trở thành ngôi sao trong các bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên. Theo lời con trai của ông Dresnok, ông này đã qua đời ở Bình Nhưỡng vào năm 2016.