Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, các đồng chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay "đại diện cho xã hội dân sự ở đất nước của họ. Họ đã nhiều năm cổ vũ cho quyền phản biện và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân...".

Theo tạp chí Time, danh sách đề cử năm nay gồm 343 cá nhân và tổ chức. Dù quá trình đề cử kết thúc vào tháng 2, trước khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát nhưng nhiều ý kiến cho rằng cuộc xung đột này vẫn có thể ảnh hưởng đến lựa chọn cuối cùng. Lí do vì Ủy ban Nobel Na Uy thường thể hiện tuyên bố chính trị thông qua các lựa chọn của mình.

Năm 2021, ủy ban tập trung vào quyền tự do báo chí với giải thưởng được trao cho nhà báo Dmitry Muratov của Nga và Maria Ressa của Philippines. Trong khi vào năm 2020, ủy ban trao giải cho Chương trình Lương thực Thế giới.

Trước đó, trong những cá nhân từng được dự đoán có khả năng thắng giải năm nay có cả tên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chính trị gia đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya ở Belarus, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe, ... bên cạnh các tổ chức như Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Myanmar hay báo The Kyiv Independent.

Trang web giải thưởng Nobel Hòa bình thống kê, kể từ năm 1901, giải đã được trao 102 lần, cho 134 cái tên gồm 91 nam, 18 nữ và 25 tổ chức.

Theo trang Vox, Nobel Hòa bình có lẽ là giải thưởng gây tranh cãi nhất trong các giải Nobel. Nhiều người cáo buộc, trong những thập niên gần đây giải Nobel Hòa bình đôi khi được trao cho các cá nhân không đáp ứng tiêu chuẩn do nhà sáng lập Alfred Nobel đề ra. Cụ thể, trong di chúc, ông Nobel nêu rõ, giải nên vinh danh "người làm nhiều nhất hoặc tốt nhất để vun đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia, để xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực cũng như để tổ chức và thúc đẩy các tiến trình hòa bình”.

Tuy nhiên, một số chính trị gia giành được giải thưởng vì hành động thúc đẩy hòa bình, nhưng sau đó bị tố cáo can dự hoặc từng tham gia vào xung đột. Một ví dụ gây tranh cãi gần đây là trường hợp Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ông Ahmed được trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 vì nỗ lực giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea. Song, về sau ông đã tiến hành một cuộc chiến tàn khốc ở vùng Tigray, miền bắc Ethiopia, trong đó cả hai bên tham chiến đều bị cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh.

Tuấn Anh