- Thảo luận tại tổ QH sáng nay về dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), ủy viên UB Tài chính ngân sách trăn trở trước những bất cập trong quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Ông Vân cho rằng có những quy định lâu nay đã ổn định như tiêu chuẩn cấp ô tô thì nên đưa thẳng vào luật, không nên để các văn bản dưới luật quy định để tránh lạm dụng.
ĐB Lê Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hải |
“Trên thực tế, tiêu chuẩn chúng tôi ở QH đi Altis, một ông bên Chính phủ đi Camry 2.4 nhưng có ông ở cấp cục là Thiếu tướng lại đi xe xịn hơn”, ĐB nêu.
Ngay cả diện tích phòng, ông Vân cho rằng lâu nay chưa có quy định ở cấp nào thì được bao nhiêu, nên mạnh ai nấy làm.
“Có những phòng Giám đốc công an tỉnh chưa chắc phòng Thủ tướng đã bằng. Làm gì có chuyện thiếu nhất quán thế. Tại địa phương, phòng của sở còn hơn phòng tỉnh uỷ”, ông Vân nói.
Với những bất cập trên, ĐB kiến nghị nên xem xét kỹ lưỡng dự thảo luật này trong 3 kỳ họp, sau đó vừa làm vừa tổng kết rồi nâng lên thành bộ luật vì tài nguyên, nguồn lực vốn đầu tư, kể cả nhân tài cũng đang cạn kiệt.
Nước ngoài 8 bộ 1 nhà, VN không chịu ngồi chung
Cho rằng mỗi một trụ sở là hết sức lãng phí, ĐB kỳ cựu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần cùng ngồi lại để thống nhất xây dựng mô hình quản lý hành chính tập trung, áp dụng chung cả nước.
“Ở Malaysia, 8 bộ cùng tập trung ngồi ở tháp đôi. Ở mình mỗi bộ một nơi”, bà Khánh so sánh.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Phạm Hải |
Bà cũng kiến nghị xem xét lại câu chuyện khu hành chính tập trung của Đà Nẵng. Toà nhà 2.000 tỉ đồng, ý tưởng xây dựng rất hay nhưng giờ bảo không đảm bảo kĩ thuật thì ai chịu trách nhiệm?
Cho ý kiến về việc xây dựng các khu hành chính chung, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần phải có thêm đánh giá tác động thực tế.
“Trước đây Chính phủ có ý tưởng xây khu tập trung cho các cơ quan TƯ có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng muốn một trụ sở riêng”, bà Tâm nêu về đề xuất lưu ý việc thu hồi tài sản sau khi các cơ quan chuyển sang trụ sở mới.
Dẫn câu chuyện của TP.HCM, bà Tâm cho biết, có nhiều trụ sở bỏ trống nhưng không thu hồi được.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng “không cần thiết vung vinh mỗi cơ quan một trụ sở, cần thiết gộp chung một trụ sở để tiết kiệm, tránh lãng phí”.
Đất quốc phòng biến thành sân golf, khách sạn
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ nhiều băn khoăn về quy định các loại tài sản thuộc lực lượng vũ trang.
“Hiện lực lượng vũ trang sở hữu nhiều tài sản công chứ không phải chỉ có 3 loại, như đất quốc phòng cho tư nhân vào đầu tư, biến thành sân golf, khách sạn thì xử lý thế nào?”, ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Hải |
Theo ông, đã làm kinh tế thì không nên xếp vào quốc phòng, an ninh.
Ông cũng đề nghị bổ sung tội danh “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản công hoặc để cho người khác chiếm đoạt tài sản công” cho chặt chẽ vì có những lúc không chiếm đoạt nhưng để người khác chiếm đoạt.
ĐB TP.HCM lưu ý thêm, cần quy định rõ những loại tài sản nào được chuyển nhượng theo nguyên tắc thị trường để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
“Đã có dư luận cho rằng, mất rất nhiều tài sản công qua cổ phần hoá. Nếu doanh nghiệp nào không có ưu đãi nhất định thì không chịu cổ phần hoá, cứ “ngâm” hoài”, ông Nghĩa phân tích.
Để tránh thất thoát, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng kiến nghị không nên để các cơ quan nhà nước được cho thuê văn phòng, trụ sở, hội trường, xe cộ…
“Cho thuê thì sẽ có tình trạng chạy theo lợi ích. Đáng ra công trình 2 tầng, người ta sẽ lập ra 5 tầng, đáng ra 2.000m2 nhưng lập dự toán 5.000m2”, ông Phớc lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu thêm, có tình trạng lợi dụng tài sản công để kinh doanh mà không kiểm soát được.
“Nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương được sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí cả vỉa hè nhưng tiền thu được vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân?”, ông Hiển lưu ý.
T.Hạnh - T.Hằng - K.Trung - H.Nhì