Ngày ngày chúng ta chứng kiến việc các em học sinh bị nhồi sọ từ tấm bé để đua tranh vào các cái gọi là trường chuyên lớp chọn như thể đó là cách duy nhất để bọn trẻ có được tương lai.

Không phù hợp? 

Theo lịch sử phát triển, trường chuyên của Việt Nam xuất phát từ mô hình đào tạo học sinh giỏi của các nước XHCN mà tiêu biểu là Liên Xô. Trong nhiều thứ chúng ta nhập khẩu từ Liên Xô và Trung Quốc thì đây là thứ ra đời, tồn tại và phát triển mạnh mẽ nhất. 

Phải thừa nhận trường chuyên đã chứng minh được nhiều điểm ưu việt: môi trường giáo dục chất lượng cao; đào tạo ra nhiều nhân tài; môi trường lành mạnh. Nhưng từ đó, vô hình trung cũng đã dẫn tới suy nghĩ chủ quan về các trường không chuyên: thầy và trò kém; môi trường không tốt.

Tức là về mặt mô hình giáo dục và chính sách phát triển đã tạo ra sự bất bình đẳng và phá bỏ đi một trong những nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục: mang lại những điều tốt đẹp qua giáo dục tới cho tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh hay khả năng.  

Song trên thực tế trường chuyên chỉ mang tới những thứ tốt đẹp nhất về giáo dục cho một thiểu số rất nhỏ. 

{keywords}
Ngôi trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội hàng năm chứng kiến cuộc ganh đua của hàng ngàn phụ huynh, học sinh.

Đào tạo nhân tài là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nền giáo dục, nhưng đào tạo nhân tài không có nghĩa là chỉ đào tạo về kiến thức. Nó phải bao gồm hai thứ quan trọng hơn: tư duy và kĩ năng.

Ngay cả quá trình đào tạo kiến thức này cũng diễn ra không tự nhiên: đó là những cuộc chạy đua nhồi nhét kiến thức phục vụ cho 2 mục tiêu căn bản của cha mẹ và thầy cô (chưa chắc đã là của học sinh)

1. Thi đỗ vào trường chuyên.

2. Đoạt giải trong các kì thi HSG. 

Khi chưa vào được trường chuyên thì chạy đua luyện thi để vào bằng được. Khi vào được rồi thì học và chỉ biết học để vào được đội tuyển rồi lại tiếp tục luyện thi HSG. Hai quá trình này chỉ là luyện gà chọi theo kiểu rèn kĩ thuật làm bài. Nếu có kiến thức thu được thì đây là thứ kiến thức khiến cho người học bị đóng khung. Họ bị tưới kiến thức theo kiểu áp đặt và học vẹt, không biết đặt câu hỏi nghi ngờ và khó có thể sáng tạo ra cái mới thông qua suy nghĩ và tìm tòi. 

Ngày ngày chúng ta chứng kiến việc các HS bị nhồi nhét từ tấm bé để đua tranh vào  cái gọi là trường chuyên lớp chọn như thể đó là cách duy nhất để bọn trẻ có tương lai. Đây là hệ quả trực tiếp của kiểu đào tạo gà nòi và gà chuyên đi chọi nhau ở các kì thi. Vậy chả lẽ phần đông các em HS không thể vào được trường chuyên lớp chọn sẽ không thể có được những cơ hội và cuộc sống tốt đẹp mà giáo dục có thể mang lại cho chúng sao? 

Ở đây chúng ta thấy nhiệm vụ trên tất cả của nền giáo dục là nâng đỡ người bình thường và thậm chí người yếu kém đã bị lãng quên.

Hầu như tất cả các HS cuối cấp 1 đều được nhắm vào luyện thi chuyên Toán hoặc chuyên Anh. Vậy các môn khác thì sao? Ví dụ như Vật lý là môn khoa học tuyệt vời nhất gắn bó với cuộc sống hàng ngày của HS và cả những môn xã hội và nghệ thuật nữa. Biết bao nhiêu tài năng đã bị bỏ qua và lãng phí vì chính các bé đã không được phát triển đúng với thiên hướng, tiềm năng cũng như khả năng của chính mình.  

Những thứ sau đây bị xem nhẹ: phát triển con người toàn diện; bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm và sống chung; phát triển nhân cách và sự hòa đồng với thiên nhiên, con người

Những thứ sau đây bị bỏ qua: các loại tư duy sáng tạo và phản biện, kiến thức xã hội và cuộc sống thực tế; hoạt động thể thao và vận động; niềm hạnh phúc tuổi thơ; giá trị sống qua các hoạt động cống hiến cho cộng đồng. 

Ngay cả khi chúng ta đào tạo được nhiều nhân tài theo mô hình trường chuyên thì một thực tế không thể phủ nhận là HSG của chúng ta không dễ trở thành các nhà khoa học sau này.  Các em dù học rất giỏi nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với HS nước ngoài (không nói tới IMO). HS tốt nghiệp ra trường kể cả người học giỏi vẫn không thích nghi được với công việc dễ dàng. 

Với các cá nhân xuất sắc thì họ xuất sắc theo kiểu chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân. Kiểu học giỏi nhiều khi trở nên hoàn toàn vô dụng và không có đóng góp gì cho xã hội cả.

Càng học càng... kém phát triển 

Sản phẩm và quy cách của trường chuyên vì thế đã đi ngược lại với nguyên lý giáo dục là dạy cho người ta cách làm việc và sáng tạo. Sâu xa hơn là nó đi ngược với sự nhân văn, đặc biệt ở khía cạnh cơ hội

Chúng ta đều biết tiềm năng ở một con người là vô tận.  Các tiềm năng đó phải gặp  hoàn cảnh và thời điểm nhất định mới được phát lộ. Ở Mỹ học trò còn trải qua một gap year (năm tạm nghỉ sau khi học xong phổ thông trung học) lúc các em 18 tuổi để trải nghiệm, với mục đích phát hiện ra đam mê của mình. 

Ngày nay trường chuyên vô tình là điểm đến của các gia đình có điều kiện tham gia luyện thi. Nó cũng là nơi "gửi gắm" của một số người, và trở thành một thứ đặc quyền (exclusive education - giáo dục độc quyền) chứ không còn là elite education (giáo dục tinh túy) như nó cần phải nữa. 

Tôi cho rằng cách thức phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là phải được thực hiện theo các nguyên tắc: 

1. Ở tất cả các ngôi trường dù là bình thường nhất.

2. Ở mọi thời điểm trong cuộc đời HS của một đứa trẻ. 

Dư luận cũng đang quan ngại rằng, một số vị trí công việc tốt ‘đặc quyền đặc lợi’ trong nhiều cơ quan nhà nước đang rơi vào một nhóm đối tượng nhất định.  Sự bất bình đẳng về cơ hội  khiến tài năng thực sự phải chật vật tìm đất sống.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, nhiều phụ huynh đều nhận thức được các bất cập trên nhưng họ vẫn cho con theo đuổi trường chuyên bởi quán tính tư duy chỉ CHUYÊN mới đồng nghĩa với TỐT.

Người tài luôn có cơ hội 

Hiện nay với những tài năng chưa được phát hiện hay nảy nở, các em không có cơ hội vào trường chuyên và đã bị bỏ qua rất đáng tiếc. Chúng ta phải tìm cách giữ lấy và phát hiện ra các tài năng chưa có cơ hội phát lộ này. Mọi nơi mọi lúc ở tất cả các môi trường và ngôi trường. Đề xuất của tôi: 

1.Trước tiên việc tuyển chọn và phân bố giáo viên giỏi rộng khắp phải là một chính sách quốc gia. 

2. Phân luồng lại HSG. Học sinh giỏi cần được phát hiện và bồi dưỡng ở mọi lúc (khắp các năm học ví dụ như lớp 10; 11; 12 chứ không phải chỉ thi ở lớp 9 lên 10) và mọi nơi (ở tất cả các trường). 

Tại các trường đều cung cấp chương trình học nâng cao. Chúng ta cần cả giáo viên tốt và học sinh tốt để thực hiện chương trình này. 

Như vậy:  

Việc phát hiện HSG được diễn ra suốt các cấp các lớp học cũng như mọi cơ sở giáo dục và trường học. Như thế mới thực sự mang cơ hội học tập chuyên sâu và nâng cao tới mọi HS có đam mê và tiềm năng cũng như khả năng. 

Vì sau tất cả, giáo dục trước tiên phải là nhân bản và phải là thứ dành cho tất cả mọi người. 

Nguyễn Tuấn Hải