Đánh giá về ý nghĩa chính trị của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành NQ 11 có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ nhất, đây là Nghị quyết đầu tiên về vùng được Bộ Chính trị hành hành sau khi tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW về vùng, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng về phát triển vùng qua các kỳ Đại hội Đảng. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng - một vùng có vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng có bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, có truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu” và “lá phổi” của tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Cần phải nói thêm rằng chúng ta có tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội và để thúc đẩy sự phát triển của 6 vùng này trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển cho từng vùng.

Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển cho từng vùng KT-XH

Thứ hai, bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và nhất là tâm thế phát triển mới. Nghị quyết mới là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển, nhất là khi vùng vẫn đang là “vùng trũng” trong phát triển và “lõi nghèo” của cả nước; sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển của vùng so với trung bình cả nước không những chưa được thu hẹp mà đang có xu hướng gia tăng.

Chia sẻ về những điểm mới trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thứ nhất, Nghị quyết đã nhanh chóng được quán triệt trong toàn quốc.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết đã được quán triệt với sự tham gia của tất cả các cấp uỷ Đảng cả ở Trung ương và địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp phát biểu chỉ đạo và cấp uỷ các địa phương trong vùng trực tiếp tham dự Hội nghị quán triệt tại điểm cầu ở Trung ương.

Thứ hai, Nghị quyết đã nhanh chóng được triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ triển khai cụ thể cho các cấp uỷ đảng ở Trung ương và địa phương (Kế hoạch số 05-KH/TW, ngành 26/5/2022 triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW). Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Nghị quyết được ban hành Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong vùng (Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 01/8/2022, về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW); thành lập Hội đồng điều phối vùng (Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025)… Các địa phương trong vùng cũng đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Giao Linh, Thu Hà, Anh Dũng