Trước nguy cơ giao thông bị tê liệt trong vài năm tới, TP. Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng khi dự kiến thị phần vận tải hành khách công cộng sẽ tăng từ khoảng 8-10% năm 2018 lên tới 20-25% vào năm 2020 và 35-40% vào năm 2030. Muốn vậy, vận tải hành khách công cộng cần xác định rõ đâu là những ưu thế - những yếu tố cạnh tranh chủ chốt - để có thể thành công trong cuộc cạnh tranh này.
Trong vòng 15 năm, dân số Hà Nội đã tăng gần gấp đôi, từ 5,3 triệu người năm 2002 lên 9,6 triệu người năm 2017[1]. Cứ đà này, đến năm 2030, dân số Hà Nội có thể đạt khoảng 13-14 triệu người và đến 2050 con số này là 16-17 triệu.
Với hệ số đi lại 2,3 chuyến đi/người/ngày, tổng số chuyến đi của ở Hà Nội sẽ tăng chóng mặt, từ khoảng 20 triệu chuyến đi/ngày năm 2018 lên 30 triệu chuyến đi năm 2030 và khoảng 40 triệu chuyến đi năm 2050 (xem Bảng 1). Đây là một thách thức vô cùng lớn cho ngành giao thông.
Ô tô nhiều, Hà Nội hết đường để đi lại
Số lượng phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, gấp khoảng 3 lần trong vòng 10 năm. Từ năm 2008 đến 2017, số lượng xe máy đã tăng từ khoảng 2 triệu xe lên 5,4 triệu xe, với tỷ lệ tăng 7-8%/năm; ô tô con tăng từ 200 ngàn xe lên 550 ngàn xe, tỷ lệ tăng 10-12%/năm.
Thu nhập tăng, người dân mua ô tô ngày càng nhiều |
Theo số liệu của Phòng CSGT Hà Nội, mỗi tháng, Hà Nội đăng kí mới khoảng 27 ngàn phương tiện, trong đó ô tô khoảng 5.000, xe máy khoảng 22.000[2]. Ngoài ra, còn có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông.
Theo các chuyên gia, không có một đô thị nào, kể cả đô thị của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh, mà hạ tầng giao thông có thể đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân như ở Hà Nội[3].
Dự báo trong vài năm tới, Hà Nội sẽ không còn đường để đi lại khi ô tô con tiếp tục tăng nhanh như hiện nay. Lý do đơn giản, một chiếc ô tô chiếm khoảng 12-15m2 khi ở trạng thái đỗ (gấp 10 lần xe máy) và 50-65m2 khi di chuyển ở tốc độ 30km/h (gấp 20 lần xe máy). Nghĩa là, một chiếc ô tô khi di chuyển chậm trong đô thị sẽ chiếm không gian tương đương với khoảng không gian cần thiết cho 20 chiếc xe máy.
Do đó, để đáp ứng được nhu cầu di chuyển và đỗ của ô tô, TP. cần đầu tư rất lớn để xây dựng hạ tầng (làm cầu, đường mới, mở rộng đường cũ) và dành không gian rất lớn để ô tô đỗ; nếu không, nguy cơ tắc nghẽn giao thông sẽ trầm trọng hơn nhiều trong vài năm tới.
Sự gia tăng số lượng các phương tiện cá nhân đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông. Bản thân từng người dân Hà Nội cũng cảm nhận được đường phố và không gian sống mỗi ngày lại bị thu hẹp lại, chật chội hơn; không khí ngày một ngột ngạt hơn với bụi, khói và xăng dư thừa do các loại phương tiện giao thông thải ra. Không gian vui chơi cho trẻ em ngày một bị thu hẹp hơn do phải dành chỗ để đỗ xe máy và ô tô.
Đó là chưa kể xe máy và các phương tiện giao thông khác (ảnh Ngọc Hà) |
Trên nhiều tuyến phố, người đi bộ đã không còn không gian vì đi bộ trên hè thì vướng xe máy, gốc cây, cột đèn hoặc bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, đi xuống đường thì vướng ô tô đỗ và rất nguy hiểm. Điều đó đã gây trở ngại rất lớn đối với những người sử dụng vận tải hành khách công cộng.
Hệ thống vận tải hành khách công cộng còn yếu
Hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu đi lại, trong đó xe buýt là phương tiện chủ lực. Đầu năm 2016, Hà Nội đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh (BRT 01) nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 15.000 hành khách/ngày, tương đương với sản lượng 1 giờ theo kinh nghiệm các nước. Do vậy, BRT hiện chưa có đóng góp đáng kể vào việc giảm ùn tắc giao thông và chuyển đổi thói quen đi lại của người dân Hà Nội.
Dự kiến đầu năm 2019, tuyến ĐSĐT đầu tiên (tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông) cũng được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, khả năng khai thác của tuyến 2A sẽ không cao như mong đợi do vị trí các ga bố trí không hợp lý, thiếu gắn kết với các địa điểm tập trung đông người.
Tuyến ĐSĐT số 3.1 (Nhổn - Ga Hà Nội) dự kiến đưa vào khai từ năm 2022. Một số tuyến khác còn chưa rõ thời gian đầu tư và hiệu quả khai thác. Có thể khẳng định rằng, thời gian tới Hà Nội khó trông chờ vào hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) như một phép màu để kéo giảm ùn tắc giao thông và xe buýt vẫn sẽ đóng vai trò chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Trong khi đó, hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu |
Nguy cơ tê liệt giao thông
Với một kịch bản vô cùng lãng mạn, trong đó hệ thống vận tải hành khách công cộng có những bước phát triển hết sức ngoạn mục với những giả thiết như: (1) Sau mỗi 5 năm, Hà Nội có thêm 15 km xe buýt nhanh BRT và khoảng 30 km ĐSĐT;(2) sản lượng xe buýt tăng mạnh với 2%/năm[4], năng lực khai thác trung bình mỗi bến xe buýt nhanh (BRT) khoảng 1.200 hành khách/ngày, sản lượng tăng 3%/năm[5]; năng lực khai thác trung bình mỗi ga ĐSĐT gấp 20 lần BRT (khoảng 250.000 hành khách/ngày/ga), sản lượng tăng 3%/năm với; sản lượng của các phương tiện giao thông công cộng khác như taxi, xe ôm (Grab, GoViet,.v..v..) tăng 3%/năm; (3) dân số Hà Nội tăng cơ học 3%/năm, sau 2030 giảm còn 1%/năm do kiểm soát dân số tốt hơn; (4) hệ số đi lại trung bình chỉ 2,3 chuyến đi/người/ngày[6].
Bảng 1: Dự báo thị phần các phương tiện giao thông đến 2050 |
Kết quả dự báo ở Bảng 1 cho thấy bức tranh vô cùng ảm đạm của giao thông Hà Nội trong 20-30 năm tới, mặc dù các loại hình đã được giả định có mức tăng trưởng ngoạn mục. Tỷ lệ đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách công cộng năm 2040 (trong điều kiện lý tưởng) chỉ đạt khoảng 15% nhu cầu đi lại, trong khi tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân vẫn trên 70%. Đến tận 2050, toàn bộ thị phần của hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng chỉ đạt khoảng 25% nhu cầu đi lại.
Vì thế, giao thông Hà Nội sẽ tê liệt là nguy cơ có thật nếu Hà Nội không có những giải pháp đột phá; và Hà Nội không có giải pháp nào khác ngoài việc phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng và phát huy tối đa hiệu quả của nó.
Nguyễn Ngọc Quang - Đại học Twente, Hà Lan.
[1] Thắng Quang, Dân số Hà Nội năm 2020 bằng dự báo cho 30 năm sau. http://www/ news.Zing.vn ngày 27/10/2018. (Lưu ý: đây là số lượng người thực tế sinh sống và tham gia giao thông, cao hơn con số đăng kí theo hộ khẩu).
[2] Anh Trọng, Hà Nội tăng 27.000 phương tiện/tháng: Không tắc thêm mới lạ!, báo Tiền Phong ngày 15/09/2018.
[3]Alain Bertaud, Hanoi Urban Structure: Spatial Development Issues and Potential, http://alainbertaud.com, 15-06-2011.
[4] Sản lượng xe buýt trong 3-4 năm gần đây không những không tăng, mà còn có xu hướng sụt giảm.
[5] Sản lượng của bến cao nhất của tuyến BRT01 chỉ đạt 1.100 hành khách/ngày và không tăng trong suốt 2 năm qua.
[6]Số lượng chuyến đi có thể còn cao hơn nhiều nếu lấy hệ số đi lại =2,73 chuyến đi/người/ngày như nhiều mô hình giao thông khác, ví dụ http://acudtech.vn/62.html.