Phát biểu tại một cuộc họp báo chung giữa hai nguyên thủ Pháp - Mỹ sau khi bế mạc hội nghị thượng định G7 ở Biarritz ngày 26/8, Tổng thống nước chủ nhà Macron bày tỏ sự lạc quan về cơ hội cho các cuộc thương lượng mới với quốc gia Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Pháp Macron tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 26/8. Ảnh: AP |
"Với Tổng thống Trump, chúng tôi nhất trí rằng Iran chắc chắn không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Chưa có gì diễn ra nhưng điều kiện cho một cuộc gặp giữa Tổng thống (Iran) Rohani và Tổng thống Trump, và do đó một thỏa thuận đã hiện hữu", ông Macron chia sẻ trên Twitter ngay sau khi kết thúc cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ, tái nhắc lại các phát biểu của mình trước các phóng viên.
Tuy nhiên, theo báo RT, ông Trump đã dập tắt những hy vọng cho một bước đột phá bằng các cáo buộc và đòi hỏi như thông lệ đối với Tehran. Mặc dù nói ông có "thiện chí" với người Iran nhưng lãnh đạo Nhà Trắng nói sẽ gặp giới chức Tehran "khi các điều kiện phù hợp và đúng đắn".
Tổng thống Trump ngay sau đó đã làm rõ "các điều kiện phù hợp" là Iran cần phải đáp ứng các đòi hỏi của Washington và "là người chơi tốt", tương tự như phát biểu trước đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc Iran cần phải "cư xử như một quốc gia bình thường", tức là về cơ bản phải từ bỏ mọi tham vọng trong khu vực. Ông Trump cũng lặp lại các yêu cầu "không vũ khí hạt nhân, không tên lửa đạn đạo cũng như chấm dứt các đe dọa".
Theo lời Tổng thống Trump, sự xuất hiện "bất ngờ" của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời mời của ông Macron hóa ra là một nỗ lực dũng cảm của lãnh đạo nước chủ nhà Pháp nhằm dàn xếp đối thoại giúp thoát khỏi thế bế tắc hiện tại về vấn đề hạt nhân Iran. Ông Trump quả quyết đã được ông Macron báo trước việc này chứ không "mù tịt" như truyền thông đưa tin trước đó.
Chính quyền ông Trump đã theo đuổi chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Tehran sau khi tháng 5/2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký với Iran cách đó gần 3 năm. Chiến dịch gây áp lực này bao gồm cả việc tái áp đặt các lệnh cấm vận mới, triển khai thêm binh lực tới Vùng Vịnh và liên tục đe dọa trừng phạt quốc gia Hồi giáo.
Dù Tehran tỏ ra cứng rắn, nhất quyết không chịu nhượng bộ trước các đòi hỏi của Washington, nhưng các biện pháp trừng phạt của Mỹ thực tế đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran. Reuters dẫn lời nhiều quan chức Iran cho biết hôm 25/6 rằng, Tehran sẽ cân nhắc quay trở lại đàm phán nhằm hóa giải căng thẳng nếu chính quyền ông Trump cho phép nước này khôi phục xuất khẩu dầu mỏ lên ngưỡng 700.000 thùng/ngày.
Tuấn Anh