Những kỷ lục buồn

Ngân hàng Trung ương Venezuela vừa có một động thái gây bất ngờ khi lần đầu tiên sau ba năm đã công bố một loạt số liệu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đây là một sự đảo lộn chính sách không chính thức của tổng thống Nicolas Maduro trong việc phân loại các chỉ số kinh tế như các bí mật quốc gia.

Theo Wall Street JournalReuters, lạm phát Venezuela năm 2018 được chính cơ quan quản lý tiền tệ nước này thừa nhận vượt quá một trăm ngàn phần trăm.

Cụ thể, trong năm 2018, lạm phát tại Venezuela đạt 130.060%. Đây là mức trượt giá lớn nhất thế giới và cho thấy tình cảnh hỗn loạn về tài chính ở nước này đã lên mức báo động và tồi tệ nhất trên phạm vi toàn cầu.

Trong cả năm qua, Venezuela được xem là ở đáy thế giới với tình cảnh người dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thuốc men,... 

{keywords}
Lạm phát được thừa nhận ở mức cao nhất thế giới.

Con số lạm phát được thừa nhận một cách chính thức phần nào cho thấy được tình trạng khó khăn bên bờ suy sụp của nền kinh tế Venezuela, đồng thời giải thích nguyên nhân dẫn tới sự rối loạn xã hội cũng như những cuộc biểu tình triền miên trong thời gian qua.

Cũng theo báo cáo bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Venezuela, lạm phát 2017 được thừa nhận ở mức 862,6% và năm 2016 là 274%. Còn vào tháng 4/2019, lạm phát là 33,8% so với mức tăng giá tiêu dùng gần 197% trong tháng đầu năm của năm 2019. 

Trong quý 3/2018, nền kinh tế Venezuela suy giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước do tiêu dùng tư nhân giảm mạnh và lạm phát tăng vọt.

Thống kê gần đây nhất về nền kinh tế nước này là dữ liệu năm 2015. Khi đó, lạm phát tích lũy thường niên đạt mức 180,9%. Kể từ giữa năm 2016, dữ liệu lạm phát chỉ được quốc hội phe đối lập công bố.

Mặc dù thừa nhận nền kinh tế rơi vào tình trạng siêu lạm phát và suy giảm rất mạnh, nhưng những con số trong báo cáo của NHTW Venezuela vẫn thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng khoảng 1/10 so với đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo IMF, lạm phát tại Venezuela năm 2018 đạt mức kỷ lục mọi thời đại của một quốc gia: khoảng 1.000.000%. Còn theo tính toán của Trading Economics, lạm phát của Venezuela tính tới tháng 11/2018 tăng 1,3 triệu phần trăm so với cùng kỳ năm trước đó.

IMF dự báo lạm phát ở Venezuela thậm chí sẽ lên tới 10 triệu phần trăm và nền kinh tế sẽ suy giảm 25% trong năm 2019, khi lệnh trừng phạt của Mỹ khiến ngành dầu khí của Venezuela thêm phần suy sụp. 

{keywords}
Nền kinh tế Venezuela tụt giảm.

Cú đảo chiều chính sách 

Theo Reuters, IMF đã phủ nhận việc gây áp lực lên Venezuela trong việc công bố các chỉ số kinh tế sau nhiều năm nước này im lặng. 

Cũng theo hãng tin này, động thái bất ngờ của NHTW Venezuela là một sự đảo lộn một chính sách không chính thức của tổng thống Nicolas Maduro trong việc phân loại các chỉ số kinh tế như các bí mật quốc gia.

{keywords}
Trung Quốc được cho là có tác động tới quyết định công bố số liệu kinh tế của Venezuela.

Theo IMF, tổ chức này đã ngừng việc làm việc với Venezuela về các số liệu kinh tế từ tháng 1, khi nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido viện dẫn hiến pháp và tự phong là tổng thổng lâm thời với cáo buộc cho rằng cuộc tái bầu cử của ông Maduro năm 2018 là không hợp pháp.

Hầu hết các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã ủng hộ Guaido là tổng thống lâm thời của đất nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Tuy nhiên, Maduro và đảng cầm quyền tiếp tục kiểm soát các cơ quan nhà nước, trong đó bao gồm quân đội, tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA và ngân hàng trung ương.

Vòng hai của cuộc đối thoại giữa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido gần đây ở Na Uy đã không có thỏa thuận nào. Phía ông Guaido nêu ra ba điểm quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng Venezuela là kết thúc tình trạng mà ông Guaido gọi là “sự độc quyền” của Tổng thống Maduro, chuyển đổi chế độ và bầu cử tự do.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi không hiểu tại sao Venezuela bất ngờ công bố những con số lạm phát và kinh tế vào thời điểm này.

Theo Reuters, một nguồn tin cho biết, Trung Quốc hy vọng việc công bố các con số sẽ giúp Venezuela tuân thủ theo các quy định của IMF và khiến IMF khó công nhận nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Hồi tháng 3, IMF cho biết đang chờ ý kiến từ các nước thành viên trước khi quyết định có công nhận ông Guaido là lãnh đạo của Venezuela hay không. Mỹ và đồng minh của Venezuela - Trung Quốc là các thành viên quan trọng của IMF với vị thế là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

{keywords}
Khủng hoảng tại Venezuela chưa có lối thoát.

Mặc dù vẫn chưa rõ lý do thực sự tại sao Venezuela công bố các dữ liệu kinh tế và liệu có chính xác hay không, nhưng trước hết các con số này đã cho thấy một cái nhìn mới và rõ ràng hơn về sự khó khăn của nền kinh tế đất nước Venezuela.

Venezuela từng là nền kinh tế hùng mạnh nhất ở khu vực Mỹ Latin nhờ sở hữu tài nguyên dầu mỏ rất lớn nhưng giờ đây vẫn chưa có lối thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng kéo dài

Thống kê cho thấy, dầu mỏ xuất khẩu đóng góp tới khoảng 95% doanh thu của quốc gia Nam Mỹ này. Venezuela đã hạn chế sản lượng khai thác kể từ năm 2016, hiện chỉ còn hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức 3,2 triệu thùng/ngày cách đây 10 năm.

Venezuela và ngay chính cả Trung Quốc gần đây chịu áp lực lớn từ chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 2/2019, ông Trump đã quyết định trừng phạt Tập đoàn dầu khí quốc gia (PDVSA) và ngăn cản các quốc gia buôn bán dầu mỏ với Venezuela. Nhà Trắng cũng đang đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lên một mức cao chưa từng có trong lịch sử.

M. Hà