Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia nghiên cứu đàn cá nhà táng ở Đông Caribbean đã phát hiện ra rằng chúng sử dụng một loại “morse code” gồm các tiếng kêu lách cách, với nhịp điệu và tốc độ để tăng thêm các lớp phức tạp, từ đó truyền tải đi ý nghĩa.
Theo các nhà khoa học trong một nghiên cứu dài hạn mang tên Project CETI, các âm thanh này “giàu” thông tin đến mức chúng có khả năng giúp các đàn cá nhà táng đưa ra quyết định nhóm và phối hợp trong các nhiệm vụ chung, chẳng hạn như tìm kiếm thức ăn và nuôi dạy con non. Tiến sĩ David Gruber - người sáng lập và điều hành Project CETI, cho biết: "Phát hiện này là một dấu mốc quan trọng trong việc nâng tầm hiểu biết của chúng ta về cá nhà táng. Nó mở ra khả năng rằng cá nhà táng có một hệ thống giao tiếp cực kỳ phức tạp và tinh tế; đồng thời khơi dậy cảm hứng để chúng ta tiếp tục hành trình lắng nghe cá nhà táng”.
Nghiên cứu trước đây của nhóm đã cho thấy rằng cá nhà táng phân biệt danh tính của đàn bằng hai tiếng kêu cách đều nhau sau đó là ba tiếng kêu nhanh liên tiếp. Nhưng nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ của cá nhà táng lên một tầm cao mới. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các bản ghi âm của khoảng 60 cá thể từ Dự án Cá nhà táng Dominica. Họ phát hiện ra rằng ngoài chuỗi các tiếng lách cách, được gọi là coda; cá nhà táng còn thay đổi tốc độ và nhịp điệu tùy thuộc vào ngữ cảnh của cuộc trò chuyện. Chúng cũng thêm một tiếng kêu nữa vào cuối một số coda và nhẹ nhàng thay đổi thời gian của các chuỗi lặp lại.
Các nhà khoa học đã xác định được 143 tổ hợp thường được sử dụng của tất cả các biến số mà họ tin rằng tạo thành một “bảng chữ cái âm vị cá nhà táng”. Các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn một chặng đường dài để có thể hiểu được loài cá này.
Nhưng các nhà khoa học nói thêm: Mặc dù chức năng giao tiếp của nhiều coda vẫn còn là một câu hỏi mở, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng hệ thống giao tiếp của cá nhà táng, về nguyên tắc, có khả năng biểu đạt một tầng ý nghĩa rất rộng, sử dụng các cơ chế tương tự như những cơ chế được con người sử dụng trong việc sản xuất và biểu đạt âm thanh (ví dụ: giọng nói, văn bản, mã Morse và ký hiệu âm nhạc)."
Cá nhà táng có bộ não lớn nhất trong số các sinh vật được biết đến trên hành tinh. Các con cái và con đực thành niên thường sống trong các đàn có tính xã hội cao lên đến 50 cá thể. Chúng thường lặn sâu khoảng một dặm vào tận những vùng tối của đại dương để săn mực khổng lồ.
Các nhà khoa học thuộc Project CETI (Sáng kiến Dịch thuật Cetacean) đang sử dụng các tàu robot để theo dõi các đàn, ghi lại các cuộc trò chuyện và hành vi của chúng. Trí tuệ nhân tạo sau đó được sử dụng để tìm kiếm các âm thanh liên quan đến các hoạt động tại thời gian thực của cá nhà táng.
Jacob Andreas - một thành viên trong nhóm học máy của Project CETI - cho biết: "Giao tiếp của cá nhà táng có một số đặc điểm cấu trúc giống như các hệ thống giao tiếp tinh vi nhất trong thế giới động vật. Chúng tôi rất hào hứng khi bắt đầu nghiên cứu cách nó được sử dụng để truyền tải ý nghĩa".
Nghiên cứu của Project CETI cũng đã cho thấy rằng khi cá nhà táng được sinh ra, chúng bập bẹ, giống như trẻ sơ sinh của con người, và mất một thời gian để học cách giao tiếp.
Các nhà khoa học tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ một ngày nào đó giúp họ học cách giao tiếp với cá nhà táng theo cách tương tự. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên con người có thể giao tiếp với một giống loài khác.
(Theo Sky News)