Tập trung mũi nhọn phát triển kinh tế biển

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh ước đạt 215.659 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 142.458 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 73.201 tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2023 ước đạt 6.830 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng thuỷ sản của tỉnh ước đạt 34.372 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 21.533 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 12.819 tấn. Trong đó, sản lượng thuỷ sản của nhiều địa phương trong tỉnh tăng cao. 

Với bờ biển dài, được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội vùng biển. Nhiều địa phương ven biển đã xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 

Với đường bờ biển biển dài 42km, trong những năm gần đây cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã tập trung đánh thức tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế biển để làm giàu từ biển. 

Để phát triển kinh tế biển, UBND thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với UBND các xã, phường ven biển tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá vươn khơi bám biển và thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác...

Thị xã Nghi Sơn hiện có 1.868 tàu cá. Dù gặp nhiều khó khăn song thời gian qua, ngư dân nơi đây vẫn kiên trì vươn khơi bám biển, vừa tích cực tổ chức khai thác vừa thực hiện chuyển đổi nghề và phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ cũng như phát triển du lịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của thị xã đạt 8.903 tấn, bằng 100,3% cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 8.070 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 833 tấn.

Là một huyện ven biển của tỉnh, Hoằng Hóa hiện có 935 phương tiện khai thác thủy sản với tổng công suất hơn 91.000 CV. Bên cạnh hoạt động khai thác, thời gian qua, huyện cũng chú trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện khoảng trên 2.900 ha.

Huyện Hoằng Hoá cho biết, quý 1/2024, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện ước đạt 5.800 tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt trên 4.600 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.170 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu lớn để huyện phát triển ngành nghề chế biến thủy sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho các địa phương ven biển của huyện.

Huyện Hoằng Hóa đang tăng cường công tác tổ chức, quản lý hoạt động khai thác nhằm mục tiêu khai thác bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển xa, tăng cường quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm đảm bảo an toàn cho ngư dân đi biển gắn với củng cố, kiện toàn các tổ đội sản xuất trên biển.

Trước những khó khăn do ngư trường khai thác các loại hải sản ngày càng suy giảm, với lợi thế có bờ biển dài 12,4 km, thời gian qua, huyện Hậu Lộc đã chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng triều để nuôi trồng đa dạng các loài nhuyễn thể ven biển như: ngao, sò huyết, vẹm xanh, hàu... 

Bên cạnh các con nuôi mũi nhọn của huyện như tôm sú, tôm he chân trắng, một trong những con nuôi chủ lực, chiếm tới 90% sản lượng nuôi vùng triều của huyện phải kể đến là ngao. Trong đó, nghề nuôi ngao và sản xuất ngao giống vẫn được huyện xác định đối tượng nuôi chủ lực và là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các xã ven biển trong huyện.

Năm 2023, huyện có hơn 400 hộ các xã ven biển Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc thả nuôi 570ha ngao; sản lượng ngao đạt 8.800 tấn. Và đến tháng 4/2024, huyện đã triển khai thả nuôi được 570ha ngao.

Để nghề nuôi ngao cho hiệu quả kinh tế cao, theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc”, huyện Hậu Lộc đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung, cơ sở hạ tầng đầu mối phù hợp điều kiện ương nuôi ngao giống. Hiện huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. 

W-Cảng cá Lạch Bạng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa 1 usde.JPG.jpg
Thanh Hoá sẽ gắn phát triển thủy sản nhanh và bền vững với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phát triển thuỷ sản nhanh và bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, những năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển cụ thể hóa các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển.

Tháng 6/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Mục tiêu của Đề án xác định ngành thủy sản của tỉnh sẽ phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phục vụ mục tiêu quốc phòng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Bên cạnh việc phát triển, tỉnh cũng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân về chủ quyền biển đảo, trách nhiệm nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, điều ước quốc tế, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn khi hoạt động trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Gắn phát triển thủy sản nhanh và bền vững với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Thanh Hoá sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái. 

Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, hải đảo.

Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực ven sông, ven biển; nuôi thâm canh, công nghệ cao, an toàn sinh học; phát triển nghề nuôi biển và nuôi nước ngọt ở các hồ thủy lợi, thủy điện; nuôi trồng thủy sản hữu cơ. 

Theo thống kê, hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa là 19.200 ha; tập trung các loài nuôi như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá lồng biển.... 

Hải Yến