- Bộ phim làm hài lòng khán giả bởi một hỗn hợp được nêm nếm vừa vặn, đúng bài bản, với đủ khẩu vị từ hồi hộp, giật gân, hình sự cho đến hài hước, lãng mạn.

Một hỗn hợp như vậy có thể làm khuếch đại tối đa tính thương mại cho bộ phim, nhưng rõ ràng là thách thức không nhỏ cho đạo diễn và biên kịch trong việc kiểm soát phản ứng tâm lý của người xem. Bởi chỉ cần một ý đồ tạo cảm xúc thất bại, gây phản ứng ngược, toàn bộ chiến lược kể chuyện của bộ phim sẽ bị đánh hỏng, làm lộ ra ý đồ câu khách trắng trợn và một cảm giác bị coi thường nơi người xem.

{keywords}
Một cảnh trong phim "Quả tim máu".

Về hình thức, "Quả tim máu" của đạo diễn Victor Vũ (do anh cùng cộng sự chuyển thể kịch bản từ vở kịch cùng tên của tác giả - diễn viên Thái Hòa trên sân khấu kịch Phú Nhuận) rất bắt mắt người xem. Đây chính xác là bộ phim đẹp nhất của anh, cả về nhân vật, hình ảnh lẫn cảnh trí, không vấp phải cái đẹp khô cứng và giả tạo thường thấy trong những bộ phim lấy khu du lịch làm bối cảnh.

Điều đáng quý là phim không sử dụng hình ảnh đẹp như một công cụ trang trí màu mè mời người xem thưởng ngoạn, một giá trị cộng thêm tặng kèm, tiện cho việc quảng cáo. Mà đã sử dụng được chúng trong tư cách chất liệu cộng hưởng với nội dung nhằm tạo các hiệu ứng tâm lý khác nhau.

Dưới ống kính của đạo diễn hình ảnh Nguyễn K'Linh, thành phố sương mù Đà Lạt hiện lên như một thế giới đẹp đẽ, vừa xa vừa gần trong cảm nhận. Những rừng thông bạt ngàn nhìn từ trên cao ngụ ý về những bí mật còn ẩn giấu, căn biệt thự xưa cũ hay xuất hiện trong những huyền thoại ma ở Đà Lạt, hay vẻ lãng mạn của cảnh chèo thuyền trên mặt hồ mênh mang phẳng lặng, soi bóng rừng thông...

{keywords}
Nhã Phương trong vai Linh.

Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh ấy nhờ vậy cũng tự nhiên hơn, dù có qua nhiều bước chuyển ly kỳ khó tin, đặc điểm mà Victor Vũ luôn cố gắng gìn giữ và định hình như một phong cách. Phim tung chiêu gây chú ý ngay từ cảnh đầu tiên mở ra ở một đoạn đường xuyên qua rừng thông đêm khuya vắng, công an đang phải xử lý một vụ chết người, nạn nhân là cô gái bị xe cán nát thân thể.

Đúng bài bản của thể loại kinh dị, hồi hộp, các tình tiết tiếp sau dẫn dụ người xem đi tìm mối liên hệ giữa chúng. Cùng đêm ấy, trong bệnh viện, một cô gái trẻ tên Linh (Nhã Phương) được phẫu thuật thay tim, và chồng cô - Sơn (Hoàng Bách) chập chờn giấc ngủ bên ngoài phòng đợi với cơn ác mộng thấy ma. Trở lại đời thường, Linh với tất cả ngây thơ và yêu đời không thể ngờ là quả tim mới dẫn cô tới những bí mật còn ẩn giấu trong nó, liên quan tới những con người đang sống trong một căn biệt thự xưa cũ và cách biệt trên đồi.

{keywords}
Một cảnh trong phim.

Câu chuyện giản dị nhưng dắt qua nhiều khúc rẽ đột ngột buộc người xem phải liên tục giữ chú ý. Âm nhạc của Christopher Wong, hình ảnh của K'Linh và phần hóa trang rất tốt của Lilian Trần tạo được hiệu ứng cho những cảnh liên quan tới hồn ma. Nhưng chúng nghiêng về cách làm người xem sợ hãi vì giật mình, hơn là gây được cảm giác lạnh gáy.

Giữa những nhân vật căng thẳng và hoảng hốt, Thái Hòa trong vai Cu Hù mang lại duyên hài tươi tắn, lời thoại tếu táo và biết tiết chế để không sa đà vào tấu hài. Các diễn viên còn lại đều tròn vai, dù chưa tạo được vẻ bí ẩn cần thiết cho nhân vật khi mà câu chuyện của họ còn ẩn giấu nhiều tầng lớp sự thật khác nhau, xen kẽ với sự hiện hữu của thế giới tâm linh.

{keywords}
Một cảnh trong phim.

Càng về cuối phim càng gia tăng nhịp độ căng thẳng. Cảnh rượt đuổi trong rừng thông giữa đêm khuya với ánh sáng chiếu qua cành lá và bóng đêm tràn ngập có lẽ là cảnh rượt đuổi nghẹt thở nhất mà đến nay phim Việt làm được. Điểm đáng tiếc là yếu tố then chốt khiến toàn bộ tình huống câu chuyện thay đổi, như thường thấy trong phim của Victor Vũ, trong trường hợp "Quả tim máu" còn đôi chút khiên cưỡng, khiến nó không thể trở thành bộ phim hoàn hảo về tội ác, tránh tình trạng quy giản về động cơ và tìm được phương pháp hành động hợp lý.

Minh Chánh