Việt Nam đứng thứ 15 các nền kinh tế bị áp dụng chống bán phá giá
Báo cáo thường niên về phòng vệ thương mại (PVTM), vừa được Bộ Công Thương công bố, cho thấy: Giai đoạn từ tháng 7/2020-6/2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ việc, xếp sau là Ấn Độ với 58 vụ, Trung Quốc với 32 vụ, Canada là 25 vụ...
Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá nhất với 73 vụ, kế tiếp là Hoa Kỳ với 69 vụ, Canada 26 vụ...
Giai đoạn từ 1/1/1995 đến 31/12/2022, Trung Quốc là quốc gia bị khởi xướng điều tra biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất với 1.565 vụ việc, chiếm 24% tổng số vụ việc (6.582 vụ việc) của các thành viên WTO bị khởi xướng.
Trong cùng giai đoạn, Việt Nam bị các thành viên WTO khởi xướng điều tra chống bán phá giá với 120 vụ, xếp thứ 15 trong tổng số các nền kinh tế bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất thế giới.
Năm 2022, các thành viên WTO đã khởi xướng tổng cộng 89 vụ việc điều tra biện pháp chống bán phá giá, trong đó Trung Quốc là đối tượng của 38 vụ việc, chiếm 43% tổng số vụ việc khởi xướng. Còn Việt Nam bị khởi xướng điều tra 4 vụ việc.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 12/2022, nước này đã điều tra 52 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.
Ấn Độ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 6/2022, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 1.188 vụ việc và áp dụng 810 biện pháp PVTM. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã điều tra 30 vụ việc PVTM.
Các nước trong khu vực ASEAN cũng gia tăng các biện pháp PVTM, hàng Việt Nam thường xuyên trong “tầm ngắm”.
Tính tới hết tháng 6/2022, Indonesia đã điều tra tổng cộng 182 vụ việc và áp dụng 95 biện pháp PVTM; trong đó điều tra 11 vụ việc PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Philippines điều tra tổng cộng 115 vụ việc và áp dụng 22 biện pháp PVTM, với 13 vụ điều tra liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thái Lan đã điều tra tổng cộng 105 vụ việc và áp dụng 66 biện pháp PVTM. Thái Lan đã tiến hành điều tra 8 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, phía Việt Nam, từ trước đến nay Bộ Công Thương mới khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc PVTM.
Bộ Công Thương tiếp tục xem xét, thẩm định một số hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng mới và không có vụ việc điều tra mới phát sinh trong năm 2022. Tuy nhiên, Bộ đã hoàn thành điều tra với 6 vụ việc và tiến hành rà soát 7 biện pháp PVTM đang có hiệu lực để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng.
Vì sao Việt Nam ít áp dụng PVTM hơn các nước?
Trả lời PV. VietNamNet, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) giải thích: Thực tế là, số lượng vụ việc PVTM được chúng ta điều tra và áp dụng, do Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) công bố có sự khác biệt cơ bản về phương pháp thống kê với các số liệu của WTO.
Cụ thể, Việt Nam thống kê theo vụ việc khởi xướng điều tra, còn các nước thống kê theo số quốc gia bị điều tra trong mỗi vụ việc.
Ví dụ, khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm X từ ba quốc gia A, B, C thì ta chỉ thống kê là 1 vụ việc, nhưng theo cách thống kê của WTO thì được coi là 3 vụ việc. Tính theo cách thống kê của WTO, đến nay Việt Nam đã điều tra hơn 50 vụ việc.
Hơn nữa, việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp PVTM còn phụ thuộc vào sự chủ động, hồ sơ yêu cầu của các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước. Đây là yếu tố tối quan trọng để cơ quan quản lý tiến hành các quy trình liên quan phù hợp các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại, Việt Nam gia nhập WTO sau một số nước ASEAN và châu Á gần 10 năm. Chúng ta bắt đầu điều tra biện pháp PVTM lần đầu vào năm 2009, tức mới có 14 năm sử dụng công cụ này, còn Indonesia đã sử dụng từ năm 1996 hay Ấn Độ từ năm 1995.
“Theo thống kê của WTO, giai đoạn 2018-2022, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước thành viên khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc PVTM”, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Theo vị lãnh đạo này, bản chất của biện pháp PVTM là bảo vệ ngành sản xuất trong nước, không phải một vài doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy, yêu cầu cơ bản khi sử dụng biện pháp PVTM là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước để đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện bắt buộc khi sử dụng các biện pháp PVTM theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của WTO. Việc sử dụng biện pháp PVTM phải căn cứ trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước.
“Tuy nhiên, do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên mức độ nhận thức, hiểu biết về các biện pháp PVTM còn rất hạn chế, cũng như mức độ sẵn sàng hợp tác để cùng kiến nghị gặp nhiều khó khăn, khiến số vụ việc sử dụng biện pháp PVTM ở Việt Nam chưa nhiều”, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đánh giá.