Ông Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, năm nay, nhà trường tuyển sinh tổng cộng 6.100 chỉ tiêu cho 60 mã ngành và chương trình; trong đó có 37 chương trình học bằng tiếng Việt, 16 chương trình học bằng tiếng Anh và 7 chương trình định hướng ứng dụng (khoảng 30% môn học bằng tiếng Anh).
Theo đề án tuyển sinh đại học năm học 2022-2023 đã được công bố, điểm mới trong phương thức xét tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân là việc sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, kết hợp với một số tiêu chí khác. Nhà trường chỉ dành 35% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thuần túy bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, năm 2022, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh bằng 4 phương thức:
Phương thức 1 - Tuyển thẳng: theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Phương thức 2 - Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (35% chỉ tiêu): điểm trúng tuyển theo ngành/chương trình; Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.
Phương thức 3 - Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (2% chỉ tiêu). Thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội của tổ hợp bất kỳ theo quy định đạt từ 20 điểm (quy đổi về thang 30) trở lên bao gồm điểm ưu tiên.
Phương thức 4 - Xét tuyển kết hợp (63% chỉ tiêu): xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo Đề án tuyển sinh. Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của 6 đối tượng như sau:
+ Đối tượng 1 (3% chỉ tiêu) là những thí sinh có chứng chỉ quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2022 đạt SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên, tốt nghiệp THPT chương trình trong nước hoặc nước ngoài.
+ Đối tượng 2 (15% chỉ tiêu) là những thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM đạt từ 700 điểm trở lên.
+ Đối tượng 3 (15% chỉ tiêu) là những thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2022 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL ITP 500 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Nghe và Đọc 785, Nói 160 và Viết 150) trở lên và có điểm thi Đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc ĐH Quốc gia TPHCM đạt từ 700 điểm trở lên.
+ Đối tượng 4 (15% chỉ tiêu) là những thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2022 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL ITP 500 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Nghe và Đọc 785, Nói 160 và Viết 150) trở lên và có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.
+ Đối tượng 5 (10% chỉ tiêu) là những học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên, THPT trong điểm quốc gia có điểm trung bình chung học tập từ 8 điểm trở lên của 3 năm học (lớp 10, 11, 12) THPT và có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.
+ Đối tượng 6 (5% chỉ tiêu) là những thí sinh đã tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và có tổng điểm thi tốt nghiệp 2022 của tổ hợp đăng ký xét tuyển theo mã ngành/ chương trình của trường đạt ngưỡng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.
Trước những băn khoăn của học sinh và phụ huynh, Phó hiệu trưởng Trần Thị Vân Hoa và Trưởng phòng Quản lý đào tạo Bùi Đức Triệu cùng các thành viên Hội đồng tư vấn và các thầy cô đại diện các khoa, viện, trung tâm của trường đã lần lượt giải đáp.
Nói về việc tại sao nhà trường tập trung chỉ tiêu tuyển bằng các phương thức tuyển sinh khác thay vì phương thức sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho hay, xu hướng tự chủ đại học đã được đề ra từ rất nhiều năm, đặc biệt, từ năm 2020, Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực.
Bên cạnh đó, mục đích của 2 kỳ thi THPT quốc gia (trước đây) và tốt nghiệp THPT (hiện nay) có sự khác biệt.
“Ở kỳ thi THPT quốc gia, 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh được đánh giá ngang bằng. Còn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh không phải là mục đích, mà chỉ là hiện nay các trường đại học đang lấy đó để xét tuyển sinh”, ông Triệu nói.
Theo ông Triệu, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến nghị các trường nên tuyển sinh bằng phương thức riêng và hạn chế sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là đối với các trường top đầu và những ngành hot.
“Đối với những trường top đầu và những ngành hot, thì khi chuyển sang thi tốt nghiệp THPT, điểm của thí sinh rất cao. Chưa bao giờ điểm lại cao đến mức mà chính các em học sinh cảm thấy không tự tin. Ví dụ với Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm ngoái, ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là 26,8; còn ngành cao nhất lên đến 28,3. Có nghĩa các em muốn trúng tuyển phải đạt gần như điểm tuyệt đối, trung bình ít cũng phải 3 điểm 9. Nhưng đi thi mà nhiều thí sinh đạt 3 điểm 9 thì cho thấy rủi ro tuyển sinh là rất cao”, ông Triệu nói.
Ông Triệu cũng giải thích vì sao nhà trường xét tuyển nhiều bằng thang đo điểm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thay vì điểm thi tiếng Anh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT: “Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đạt mức IELTS 4.0 đã được quy đổi thành 10. Vậy thì các em 4,5; 5; 5,5 hay 9 thì các em được tính thành bao nhiêu? Đó cũng là lý do chúng tôi lấy điểm chuyển đổi IELTS,... Điểm chuyển đổi IELTS, ở góc độ nào đó cũng tạo nên sự công bằng hơn đối với thí sinh. Song các thí sinh khác cũng không mất cơ hội, bởi vẫn có những tổ hợp khác để xét tuyển”.